Trong 100 năm đô thị hóa (1900-2000) TP. Hà Nội có 12 triệu m2 thì đến 2014, tổng diện tích đã tăng 10 lần (118 triệu m2). Riêng năm 2017 đã đưa ra thị trường 11 triệu m2, bằng tổng số xây dựng nhà ở trong cả thế kỷ 20.
Diện tích đất ở tăng chóng mặt
Thông tin trên được Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Uỷ viên thường vụ kiến trúc sư Hà Nội , cung cấp tại buổi Toạ đàm "Xây dựng nông thôn mới Hà Nội với các vấn đề bảo tồn văn hoá" do Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức sáng nay 30/11, tại Hà Nội.
Cụ thể, KTS Trần Huy Ánh cho biết: "Trong 10 năm qua (2008-2018) trong bản đồ QH chung có cả ngàn dự án BĐS. Theo tính toán của TS Trần Trọng Hanh, nếu các dự án này hoàn thành thì có thể đáp ứng được chỗ ở cho 50 triệu dân .
Tính đến tháng 8/2018, Hà Nội mới thực hiện 573 dự án khu đô thị (hầu hết là dự án BĐS) đã cung cấp cho thị trường hàng chục triệu m2 sàn nhà ở. Trong suốt 100 năm đô thị hóa (1900-2000) TP. Hà Nội có 12 triệu m2 thì đến 2014, tổng diện tích đã tăng 10 lần (118 triệu m2).
Riêng năm 2017 đã đưa ra thị trường 11 triệu m2 , bằng tổng số xây dựng nhà ở trong cả thế kỷ 20. Sau 10 năm mở rộng, Hà Nội với thị trường BĐS thành công rực rỡ. Nhưng phải đối diện với nước ngập tắc đường triền miên, ô nhiễm rác thải, nước thải, khí thải…chưa có giải pháp căn bản.
"Giải pháp xử lý nước thải vốn là bế tắc của Hà Nội. Nhưng chưa được ưu tiên, xử lý, trong khi tràn ngập viễn cảnh BĐS. Dự án thoát nước nội thành Hà Nội giai đoạn 1&2 đã đầu tư 0,55 tỷ USD, các nhà máy xử lý nước thải cũng gần 1 tỷ USD. Nhưng mưa to nhiều phố vẫn ngập, nước thải ô nhiễm tràn lan", ông Ánh đánh giá.
Nhiều dự án phá vỡ quy hoạch
Trao đổi bên lề với PV Người Đưa Tin về thực trạng quy hoạch của Hà Nội hiện nay phải chăng quá tràn lan, dẫn đến những vấn đề nêu trên. Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Huân cho biết, mỗi dự án quy hoạch được đề ra đều có sự tính toán rất kỹ lưỡng. Những dự án lớn còn có sự tham gia của chuyên gia nổi tiếng của nước ngoài, nên lỗi không hoàn toàn do quy hoạch mà còn rất lớn ở khâu thực hiện.
Ông phân tích: "Mỗi dự án đều có tiêu chuẩn rõ ràng, trên một diện tích đất được xây dựng bao nhiêu, bao nhiêu dân số được sinh sống trên đó, đều rất rõ ràng. Từ đó quy hoạch dân số mới tính toán quy hoạch xây dựng, để đảm bảo bài toán quy hoạch tổng thể. Tuy nhiên khi xây dựng công trình, chủ đầu tư xây thêm tầng, xin thêm dân. Vậy ai là người đồng ý cho phép điều đó?
Bên cạnh đó, người dân sinh sống bao giờ cũng muốn mua nhà gần cơ quan. Trong khi, nhiều công trình, tiện ích xã hội (hệ thống trường ĐH lớn, bệnh viện…) đều ở trung tâm thì dân số tập trung đông là tất yếu, quy hoạch vì thế không thể chạy theo kịp".
"Tại Mỹ, với mỗi vùng họ có quy hoạch về dân số cụ thể, khi dân số tăng vượt quy định sẽ được di chuyển sang vùng khác và kết nối với nhau bằng hệ thống cao tốc rất đẹp. Trong khi Hà Nội dù có dự án di chuyển trường ĐH lên Láng Hoà Lạc, nhưng cả chục năm nay vẫn chưa có trường nào di dời. Không kiểm soát được dân số, thì quy hoạch không thể theo kịp", ông Huân nhấn mạnh.