Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/1 tuyên bố ông là "thiên tài ổn định", đáp trả các cáo buộc cho rằng ông không đủ khả năng lãnh đạo đất nước. Những chỉ trích trên xuất hiện sau khi cuốn sách "Lửa và Cuồng nộ: Bên trong Nhà Trắng của Trump" được xuất bản ngày 4/1. Trong cuốn sách, tác giả Michael Wolff dẫn lời các cố vấn, những người gần gũi với Trump mô tả ông là "kẻ ngốc", "giống đứa trẻ" và tập trung kém.
Dù tuyên bố mạnh miệng, Tổng thống Trump dường như lại không sẵn sàng cung cấp bằng chứng cho thấy trí tuệ thiên tài của mình. Ông nhiều lần thách thức người khác tham gia những bài kiểm tra IQ nhưng có một lần, khi được yêu cầu chứng minh số điểm mình đạt, Tổng thống Mỹ chỉ đáp ngắn gọn: "Điểm cao nhất", theo Washington Post. Tờ báo ngày 7/1 đề nghị Nhà Trắng cung cấp số điểm kiểm tra IQ của ông Trump song chưa được hồi đáp.
Mỹ không có luật nào bắt buộc các tổng thống phải dẫn chứng bằng tư liệu về năng lực trí tuệ của bản thân. Tuy nhiên, từng có những cuộc khảo sát, nghiên cứu xác minh thông số này qua các đời tổng thống Mỹ.
Năm 2006, một nhà tâm lý học thuộc Đại học California tại thành phố Davis đã áp dụng thuật toán thống kê để tìm kiếm tiểu sử, các cuộc khảo sát, thăm dò cùng những nguồn tư liệu lịch sử khác về các tổng thống Mỹ. Ông kết luận rằng bộ óc xuất chúng nhất từng lãnh đạo Nhà Trắng là tổng thống John Quincy Adams.
Với chỉ số IQ dao động trong khoảng từ 165 - 175, ông Adams thực sự xứng với danh xưng "thiên tài" theo bất kỳ tiêu chuẩn phổ thông nào, nghiên cứu cho biết. Để so sánh, đa phần người bình thường có chỉ số IQ khoảng 100. Một đứa trẻ có IQ trên 160 sẽ được coi là thông minh hơn cả Albert Einstein và Stephen Hawking.
Tổng thống Adams chưa từng tham gia kiểm tra IQ bởi theo Politico phải đến những năm 1900, chỉ số này mới xuất hiện, rất lâu sau khi ông qua đời. Mặt khác, định nghĩa và ý nghĩa của chỉ số IQ cũng thay đổi qua thời gian.
Cố tổng thống Mỹ John Quincy Adams. Ảnh: Wikipedia. |
Nhưng như nhà tâm lý học Dean Keith Simonton viết trong nghiên cứu năm 2006, ông Adams là một trong 8 tổng thống Mỹ được ghi nhận là thiên tài trong một tài liệu khoa học năm 1926 của chuyên gia nghiên cứu về trí tuệ Catharine Cox. Bà Cox đã điểm qua tiểu sử hàng trăm người nổi tiếng và đưa ra phương pháp ước tính chỉ số IQ dựa trên tuổi thơ và thành tích thời niên thiếu của họ.
Những thành tích ông Adams đạt được đã nhanh chóng gây ấn tượng với bà Cox. Trung tâm Miller thuộc Đại học Virginia viết ông là con trai ngài John Adams, tổng thống thứ hai của Mỹ. John Quincy Adams tự coi mình là người bảo vệ gia đình trong lúc cha ông giúp lên kế hoạch cho Cách mạng Mỹ. Ông băng qua Đại Tây Dương ở tuổi lên 10, rong ruổi đi từ Tây Ban Nha tới Paris, Pháp, và vượt qua kỳ kiểm tra năng lực ở tuổi 23.
Simonton lấy ước tính của Cox cho tổng thống Adams và các tổng thống đời đầu khác rồi tham chiếu chéo chúng với thông tin tiểu sử về những người kế thừa họ ở thời hiện đại. Ông đồng thời sử dụng một số kỹ năng thống kê để xây dựng ma trận về năng lực trí tuệ của tất cả các tổng thống Mỹ tính tới thời tổng thống George W. Bush.
Nhà tâm lý học Simonton khẳng định phương pháp ông áp dụng không mang tính đảng phái và cực kỳ chính xác. Tạp chí Tâm lý Chính trị tin rằng nó đủ mạnh và đã đăng toàn bộ nghiên cứu vào năm 2006.
Cố tổng thống Mỹ Thomas Jefferson. Ảnh: Miller Center. |
Tổng thống Mỹ thông minh thứ hai theo nghiên cứu của Simonton là ông Thomas Jefferson, tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ. Đứng ở vị trí thứ ba là John F. Kennedy, tổng thống đã truyền cảm hứng để hoàn thành mục tiêu đưa người Mỹ đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.
Tổng thống Bill Clinton là thiên tài Nhà Trắng xếp vị trí thứ 4 với chỉ số IQ dao động từ 136 - 159.
"Việc ông ấy có thể làm chủ lượng thông tin phức tạp và chi tiết đến mức đáng kinh ngạc, khả năng hùng biện và tranh luận lưu loát cũng như sự dí dỏm và tinh tế thể hiện hợp lý... đưa Clinton vượt trội hơn hẳn so với người kế nhiệm xét trên khía cạnh sức mạnh trí tuệ", Simonton giải thích.
Nghiên cứu của Simonton được đưa ra trước khi ông Barack Obama và Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ. Simonton cho rằng Tổng thống Trump có lẽ chưa bao giờ thử kiểm tra chỉ số IQ. "Nếu đã thực sự tham gia một bài kiểm tra IQ, vậy tại sao ông ấy không công bố kết quả?", Simonton viết cho Washington Post.
Giống như nhà vật lý lý thuyết Stephen Hawking, Trump không coi trọng khái niệm IQ. Ông từng viết trong cuộc sách "Nghệ thuật Đàm phán" hồi năm 2009: "Bạn có thể mang đứa trẻ thông minh nhất ở trường Wharton, đứa trẻ với chỉ số IQ 170 đến đây, nhưng nếu chúng không có bản năng, chúng sẽ không bao giờ trở thành một doanh nhân thành đạt".