Gần đây, nhiều đoạn video những mẹ bầu tây bụng to vượt mặt vẫn miệt mài tập luyện trong phòng tập khiến cư dân mạng vừa thích thú vừa bất ngờ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những mẹ tây có thể lực tốt, khỏe mạnh nên mới có thể làm vậy chứ phụ nữ châu Á vốn nhỏ nhắn nên mang bầu mà còn tập luyện thì sẽ không tốt cho con.
Tuy nhiên, để chứng minh quan điểm trên hoàn toàn sai, bà mẹ 33 tuổi Lí Phi Na (sống tại Bắc Kinh, Trung Quốc) đã chia sẻ những hình ảnh tập luyện đến sát ngày đi sinh của mình lên mạng xã hội.
Phi Na không ngần ngại nâng tạ, lên xà khi mang bầu.
Bà mẹ đặc biệt này không chỉ gây ấn tượng bởi bụng bầu đã lớn mà còn bởi sự kiên trì, tập luyện những động tác với cường độ mà nhiều người bình thường cũng không làm được.
Theo tìm hiểu, Phi Na đã có kinh nghiệm tập thể hình 7, 8 năm nên đến khi mang thai , cô cũng không có ý định dừng tập. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và em bé, Phi Na đã cùng chồng, vốn là một huấn luyện viên tại phòng tập, nghiên cứu những bài tập phù hợp và lưu ý trong tập luyện khi mang thai.
Sau khi những đoạn video của Phi Na lan truyền khắp trên mạng xã hội đã thu hút nhiều người quan tâm và đưa ra hàng loạt ý kiến trái chiều.
Nhiều người tỏ ra bối rối, không hiểu tại sao cô có thể "liều" như vậy. "Có thật là cô ấy đang mang bầu không vậy?", "Liệu cô ấy có phải mang bầu giả không? Nếu không tại sao lại dám làm vậy chứ" là những bình luận dễ thấy.
Hình ảnh tập luyện miệt mài của cô nhận về không ít ý kiến trái chiều.
Trong khi đó, có không ít người lại không kiềm chế được mà lên tiếng chỉ trích bà mẹ 33 tuổi này.
"Cô ta nghĩ gì vậy? Không muốn con mình chào đời hay sao mà tập như thế", một người bình luận.
"Xin đừng học đòi theo nước ngoài nữa. Mang thai mà tập như vậy thì có ngày phải hối hận đó", người khác đưa ra quan điểm tương tự.
Phi Na cho biết cô cảm thấy sức khỏe của mình có thể đáp ứng được việc tập luyện.
Vậy nhưng bên cạnh đó cũng có không ít người ủng hộ Phi Na. "Cô ấy là người hiểu rõ bản thân mình nhất. Nếu cô ấy thấy khỏe mạnh, cơ thể và con ổn thì tập luyện cũng chẳng sao", một bà mẹ cho biết.
"Mọi người đừng giữ quan điểm cổ hủ nữa. Chẳng phải 8, 9 tháng rồi mà cô ấy vẫn ổn và có thể tập tiếp đó sao? Cô ấy chắc chắn là người thương yêu con mình nhất và biết điều gì tốt cho con cũng như bản thân".
Chồng Phi Na cũng hoàn toàn ủng hộ và hỗ trợ cô nhiều trong quá trình tập luyện.
Bỗng dưng trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận, Phi Na cho biết ban đầu cô khá hoang mang nhưng được sự động viên, ủng hộ của gia đình, bạn bè nên cô đã không ngần ngại thể hiện quan điểm của bản thân.
"Tập thể dục mang lại rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Mỗi người có một tình trạng sức khỏe khác nhau và đối với tôi, tập luyện như thế là phù hợp. Tôi không khuyến khích mọi người tập giống tôi mà cần tự nghiên cứu thể lực của mình để tìm ra bài tập và cường độ thích hợp nhất", Phi Na thẳng thắn chia sẻ.
Thảo luận về vấn đề này trên báo Sức khỏe đời sống, bác sĩ Anh Đức cho biết: "Luyện tập thể dục trong thời kỳ có thai là một biện pháp tích cực để nâng cao sức khỏe của người mẹ chuẩn bị thể lực cho việc sinh đẻ dễ dàng và an toàn, đồng thời thông qua mẹ, bồi dưỡng sức khỏe cho thai nhi". Bác sĩ cũng nhấn mạnh thêm việc tập luyện phải tùy theo sức khỏe và tình trạng thai nghén của mỗi người. Bất cứ một sự thay đổi nào dù nhỏ nhất về sức khỏe, cũng phải hỏi ý kiến thầy thuốc sản, phụ khoa và thầy thuốc y học thể dục thể thao. Phải chấp hành nghiêm ngặt lịch khám thai. Ngoài ra, bác sĩ cũng liệt kê những trường hợp không nên tập thể dục trong thời gian mang thai bao gồm nhưng người mẹ có nhiễm độc do thai nghén, bệnh tim mạch ở giai đoạn mất bù, bệnh lao phổi ở thời kỳ tiến triển, bị nhiễm trùng cấp tính, bệnh thần kinh, chảy máu khi có thai, đa ối, viêm sinh dục, có những cơn đau bụng sau mỗi lần tập thể dục. |