Tại cuộc họp về đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) ngày 22/12, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đã đồng ý khai thác thương mại dự án vào quý I/2018, nhưng do vấn đề liên quan đến việc triển khai Hiệp định vay vốn bổ sung nên tiến độ công trình này bị chậm.
Theo ông Thể, Bộ Giao thông sẽ làm việc trực tiếp với Đại sứ quán Trung Quốc và các bên liên quan, để đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn bổ sung cho dự án.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm đảm nhiệm vai trò "tổng chỉ huy" để giám sát quá trình thực hiện dự án; lập lại tiến độ tổng thể và chi tiết, có kế hoạch thực hiện chi tiết từng hạng mục, mốc thời gian cụ thể để quản lý tốt tiến độ.
Đồng thời, ông Thể đề nghị lãnh đạo cao nhất của Tổng thầu cam kết tuân thủ tiến độ điều chỉnh lần này (cuối năm 2018) với Bộ Giao thông, để trình lên cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Hiện đề xuất của Tổng thầu chưa được duyệt chính thức, tuy nhiên nếu theo đề xuất này, dự án sẽ chậm khoảng 11 tháng so với kế hoạch gần đây là chạy thử kỹ thuật vào tháng 10/2017 và khai thác thương mại vào giữa năm 2018.
9 đoàn tàu đã được chuyển về Việt Nam trong số 13 doàn tàu. Ảnh: Xuân Hoa |
Tại cuộc họp, ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt cho biết, đến nay, khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành 95%. Trong đó, toàn bộ các trụ, dầm cầu trên cao; kết cấu và kiến trúc của 12 nhà ga; mặt bằng và kết cấu chính kiến trúc khu Depot; đường ray; tường chống ồn và các hạng mục khác trên khu gian đã hoàn thành.
Khối lượng xây lắp còn lại 5% gồm hoàn thiện các đơn thể và hạ tầng khu Depot, cùng một số hạng mục ở nhà ga như lan can, trần, sàn tĩnh điện, cửa…
Với 13 đoàn tàu của dự án, Tổng thầu đã vận chuyển về đến công trường 9 đoàn tàu, 4 đoàn tàu đang được đưa về theo kế hoạch.
Năm 2017, việc thi công đảm bảo an toàn, không xảy ra sự cố. Trên toàn tuyến không còn hệ thống hàng rào gây chiếm dụng lòng lề đường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân khu vực.
Đề cập nguyên nhân gây chậm tiến độ dự án trong năm 2017, ông Vũ Hồng Phương nói, Hiệp định vay vốn bổ sung được Bộ Tài chính và Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (CEB) ký kết ngày 11/5. Bộ Tư pháp đã thống nhất và ký văn bản "Ý kiến pháp lý của Hiệp định" cho CEB. Bộ Tài chính hoàn tất các thủ tục và gửi CEB. Tuy nhiên đến nay, phía Ngân hàng vẫn đang xem xét và chưa có văn bản chính thức thông báo Hiệp định đã có hiệu lực.
Ban quản lý dự án đường sắt đề nghị Bộ Giao thông làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, thúc đẩy CEB thông báo Hiệp định có hiệu lực để sớm triển khai công tác giải ngân cho dự án.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Đại diện Tổng thầu EPC (Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc), ông Đường Hồng, Giám đốc điều hành dự án, khẳng định, việc mua sắm, lắp đặt thiết bị, hoàn thiện các hạng mục còn lại để đạt mục tiêu cuối năm sau đưa vào khai thác không có vướng mắc.
Hiện Tổng thầu đã ứng 65 triệu USD vốn lưu động để trả cho các nhà thầu, song vẫn còn nợ nhà thầu Việt Nam 600 tỷ đồng.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD. Phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD so với trước đây. Toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13 km trên cao. Điểm đầu tuyến tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông); bao gồm 12 nhà ga trên cao và khu Depot rộng 19 ha; đường ray đôi khổ 1.435 mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian khai thác từ 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến; tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác bình quân là 35 km/giờ. |