Đoạn đê Hữu Bùi vỡ sáng 12/10 khiến nhiều thôn của ba xã Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ và Nam Phương Tiến của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) chìm trong nước lũ. Trận lụt được người dân đánh giá "chỉ kém năm 2008".
Nước dâng cao khiến nhiều ngôi nhà chỉ còn trơ nóc, không phân biệt được đâu là đường làng ngõ xóm, đâu là ao hồ, đồng ruộng. Hai ngày nay, dân ven đô di chuyển bằng xuồng hoặc xăm lốp tự chế. Nhiều người tranh thủ đi rắc lưới như mùa nước nổi ở miền Tây.
Bất ngờ vì trận lụt gần 10 năm mới quay trở lại
Con đường liên xã chạy qua thôn Phương Hạnh (xã Tân Tiến) trở thành nơi tập kết nước sạch để vận chuyển vào tiếp tế cho các thôn Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ, Khúc Băng của xã Nam Phương Tiến. Đây là đường độc đạo còn chưa ngập để đi vào xã, bởi hai xã kế bên là Hoàng Văn Thụ và Tân Tiến đều đã "mênh mông biển nước".
Vượt qua dòng sông lũ đục ngầu hơn một km, chuyến canô cuối cùng chở đầy thùng nước sạch của Bộ chỉ huy quân sự huyện Chương Mỹ mới tới được thôn Nam Hài. Ở rìa thôn, chỉ còn các nóc nhà và những ngọn cây còn ngoi lên khỏi mặt nước.
Nghe tiếng máy cano, người dân ở các ngõ bơi xuồng nhôm ra chở nước về. Chờ từ sáng, bà Bùi Thị Bảy nói với 19 lít nước này chỉ dám dùng để uống và vo gạo nấu cơm. Từ chiều qua, giếng nước trong nhà đã ngập. Vành mắt thâm quầng, người phụ nữ 56 tuổi cho hay hai đêm nay bà không dám ngủ sâu giấc để còn kịp chạy cho nhanh nếu đê Bùi lại có "biến".
Chị Nhung chở con trai hai tuổi đi lấy nước sạch về dùng. Ảnh: Hoàng Phương. |
Đêm 11/10, loa truyền thanh xã liên tục thông báo nước đã tràn qua đê, báo động người dân sơ tán người già, trẻ nhỏ và đồ đạc. Suốt đêm ấy, người dân thôn Nam Hài không ngủ. Dù chạy lũ nhưng bà Bảy và nhiều người dân vẫn đinh ninh rằng không thể vỡ vì đoạn đê ấy mới đổ bê tông kiên cố hóa xong được vài tháng.
9h ngày 12/10, loa xã một lần nữa vang lên, báo đê vỡ. Cả làng báo động. Người đem đàn gà đi gửi. Người lùa trâu từ đồng về. Có người giăng lưới, gia cố thêm bờ ao để cá không bơi đi. Nhưng chỉ đến trưa, Nam Hài và mấy thôn bên cạnh đã trắng nước.
Bà Bảy chạy lũ suốt đêm hôm trước tới sáng hôm sau, gửi được một cái xe máy và mấy chục con gà ở nhà người quen chưa bị ngập bên thôn Tiến Tiên (xã Tân Tiến). Nước lũ tràn vào nhà nhưng may chưa ngập hết. Nhà con trai cả của bà nằm ở rìa thôn, nơi trũng nhất. Cả gia đình năm người phải vào chỗ bà Bảy trú tạm.
"Gần mười năm rồi đê mới lại vỡ", bà Bảy nói.
Nhiều người dân thôn Nam Hài kể, xã chiêm trũng nằm ven sông Đáy này là "rốn ngập" của huyện Chương Mỹ. Sống chung với lụt nên nhà nào cũng có thuyền nan, xuồng nhôm hoặc phương tiện đi lại tự chế.
Nhưng trận lụt năm 2008 vẫn là "đòn đau nhớ đời" với người dân nơi đây. Năm ấy nước dồn dập đổ về, đê Bùi vỡ. Loa truyền thanh xã không kịp báo, dân không kịp trở tay. Nước tràn trắng đồng, ngập đến nóc nhà chỉ trong vài tiếng. Bà Bảy với mấy nhà khác phải đi ngủ nhờ ở đình làng. Hơn 200 con gà cũng không kịp cứu. Nước ngập cả gốc đa cạnh đình, mà nơi ấy là khu trung tâm, nằm ở vị trí cao nhất của xã Nam Phương Tiến.
Khu vực đình Nam Hài là nơi khô ráo nhất của cả làng. Ảnh: Hoàng Phương. |
"Chúng tôi cũng không nghĩ là vỡ đê. Vì đó là đoạn mới được kiên cố hóa cách đây vài tháng. Đoạn đê đất thì không vấn đề gì mà lại vỡ đoạn kiên cố hóa bằng bê tông", ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến nói và bày tỏ bất ngờ vì đê vỡ. Trước đó chỉ dự đoán là tràn nên lực lượng cứu hộ tập trung nhân lực hộ những đoạn đê xung yếu.
Ông cho biết, sáng 11/10 khi lãnh đạo xã đi kiểm tra đã thấy nước xoáy toàn bộ bên trong chân đê. Đến sáng 12/10, nước dồn dập đổ về, tràn toàn bộ bề mặt khiến đê vỡ.
Theo lãnh đạo xã, con đê mới khánh thành từ tháng 7 năm nay, là công trình đi qua ba xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến và Hoàng Văn Thụ. Năm 2008, cũng chính đoạn đê này và một đoạn khác (cách đó khoảng 700 m) vỡ gây ngập lụt cả vùng.
Lợn gà ở nơi khô, người chỗ ướt
Đem gà vịt đi gửi không hết, nhiều người đành để tạm bên gốc đa cạnh đình làng. Tối đến, họ mang miếng nilon che tạm cho gà, lợn đỡ sương. Vai đeo bao cám, ông Nguyễn Văn Viện sang thôn bên cạnh để cho gà ăn. Trước đó, ông đóng bè chuối, bè bương rồi buộc gà thành từng túm, đẩy vào trong khu Tân Tiến. Dù được cảnh báo từ trước, ông cũng không xoay xở hết được với đàn gà gần 400 con.
Em trai ông còn mất trắng khoảng 3.000 con gà đến lúc xuất chuồng vì nước về quá nhanh. Nhiều con cứu được nhưng lại trong tình trạng ngáp ngoải.
Bộ đội, dân quân mang nước sạch tiếp tế cho người dân. Ảnh: Hoàng Phương. |
Đường làng mênh mông nước, ông Minh thở phào vì chiều 13/10 đã "đưa" được con gái về nhà chồng bên Thanh Oai. Mấy hôm nay, ông đều cầu trời khấn phật cho trời đừng mưa. Ban đầu ông dự định làm 200 mâm cỗ cưới mời làng, cuối cùng phải rút đi một nửa vì lũ về, người làng còn bận chống ngập. Ông không hoãn được ngày cưới của con gái, vì ngày lành tháng tốt đã xem. Cũng may nước mới mấp mé cổng nhà, xe hoa vẫn đỗ lại được.
"Giờ chỉ mong nước nhanh rút để cuộc sống trở lại bình thường. Gần 10 năm rồi chúng tôi mới lại phải chịu cảnh khổ như thế này", ông nói.
Nước lũ làm ngập trường, khiến gần 700 học sinh các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của xã nghỉ học ba hôm nay. Nguyễn Thị Mai, học sinh lớp 8 THCS Nam Phương Tiến cho biết hôm nước tràn qua đê, nhà trường đề phòng nên đã cho thầy cô và học sinh khiêng hết bàn ghế lên tầng 2. Mai lo lắng nhất là không biết khi nào nước mới rút để tiếp tục đến trường.
Nước ngập lưng nhà, cả gia đình Doãn Thùy Linh cũng phải vào bà ngoại ở nhờ. Mấy hôm nghỉ học, em vẫn mang theo sách vở để học bài. Cô học trò lớp 12, trường THPT Chúc Động lo lắng nếu tiếp tục nghỉ, em sẽ không theo kịp chương trình và chuẩn bị cho kỳ thi. Linh dự định vài ngày tới nước không rút thì đầu tuần em sẽ tới ở nhờ nhà bạn xã bên, hoặc tìm đường khô ráo hơn để đi học.
Người dân thôn Nam Hài chia nhau vôi bột để rắc phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: Hoàng Phương. |
Lo không biết ngày nước rút
Hoàng hôn buông, Nam Phương Tiến chìm dần trong màn đêm và nước lũ. Xuồng nhôm song hành cùng người lội bộ trên đường làng. Đàn bà đội nón, quần xắn cao, mò mẫm dò đường. Đàn ông cởi trần, mặc quần đùi, trên vai vác cái bao nhỏ. Trong bao là một ít đồ đạc của nhà đi gửi, có khi là vài con cá rắc lưới được mang vào xóm trong để nhờ họ hàng nấu bữa cơm chiều. Bên ánh nến le lói, có người ăn vội bữa cơm để đi ngủ nhờ.
Hiện, điện ở cả bốn thôn Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ, Khúc Băng đều bị cắt. Khoảng 800 hộ dân bị ngập hoàn toàn. Dù đoạn đê bị vỡ đã được gia cố, nhưng từ đêm qua nước vẫn chầm chậm dâng thêm khoảng nửa mét, khiến điểm ngập sâu nhất xấp xỉ 3m. Người dân đang thiếu nhất nước sạch và nến thắp sáng. Trong ngày, xã đã cấp cho người dân 600 thùng nước sạch, 400 thùng mì tôm và mỗi nhà một đôi nến để tạm qua đêm. Còn lại mai tính tiếp.
"Chắc 40 ngày nước mới có thể rút hết", chủ tịch xã dự đoán. Đó là nếu trời không mưa. Còn nếu mưa thì không biết bao nhiêu lâu. Trận lụt năm 2008 đã "ngâm" Nam Phương Tiến và vùng lân cận trong nước suốt 45 ngày.
Ảnh: Nghìn hộ dân Chương Mỹ bị cô lập
Người dân ngâm mình trong lũ ăn cơm
Đê Hữu Bùi dài 12km đi qua nhiều xã của huyện Chương Mỹ, được UBND TP Hà Nội đầu tư 120 tỷ đồng. Đêm 11, rạng sáng 12/10, mưa lớn kèm lũ thượng nguồn đổ về khiến đê Hữu Bùi gặp sự cố, gây ngập lụt cho các xã Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ và Nam Phương Tiến. Chiều 13/10, lãnh đạo Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho rằng "đê Hữu Bùi có thể nói là có vỡ, nhưng vỡ có kế hoạch, vỡ nằm ở trong khu thoát lũ chứ không phải bất ngờ". |