Trung úy George W. H. Bush trên oanh tạc cơ Grumman TBM Avenger năm 1944. Ảnh: AAS. |
George H.W. Bush là con trai của một thượng nghị sĩ bang Connecticut và là hậu duệ của hai gia tộc quyền thế ở Phố Wall. Nhưng được gợi cảm hứng về lòng yêu nước và giá trị Mỹ, Bush quyết định gia nhập hải quân khi vừa mới 18 tuổi và trở thành một trong những phi công trẻ nhất của lực lượng này.
Tháng 9/1944, trung úy phi công 20 tuổi Bush đã thực hiện hàng chục cuộc xuất kích và được lệnh điều khiển oanh tạc cơ tham gia chiến dịch tập kích đảo Chichi Jima, hòn đảo nhỏ nằm cách Tokyo khoảng 1.100 km về phía nam, nơi hải quân Đế quốc Nhật Bản thiết lập căn cứ và trạm liên lạc với lực lượng đồn trú mạnh được trang bị thủy phi cơ, tàu pháo, tàu săn ngầm, tàu quét mìn và một trung đoàn pháo hạng hặng.
Tuy nhiên, máy bay của Bush và một số đồng đội bị hỏa lực phòng không Nhật bắn hỏng trong khi thực hiện cuộc tập kích ngày 2/9/1944, buộc ông và tám phi công Mỹ khác phải nhảy dù xuống vùng biển bên dưới.
Tám phi công này rơi xuống nước gần đảo Chichi Jima và bơi vào bờ mà không biết số phận khủng khiếp đang chờ họ khi bị phát xít Nhật bắt làm tù binh. Bush may mắn hơn khi cố gắng điều khiển máy bay ra xa hòn đảo rồi mới nhảy dù, sau đó trèo lên bè cứu sinh chờ cứu hộ.
Hải quân Nhật Bản sau đó điều nhiều xuồng vũ trang ra vị trí máy bay rơi để bắt Bush, nhưng may mắn là các chiến đấu cơ khác của Mỹ phát hiện và tấn công, buộc những chiếc xuồng của Nhật phải quay vào bờ. Sau bốn giờ lênh đênh trên bè cứu sinh, Bush được thủy thủ đoàn của tàu ngầm USS Finback giải cứu và là người duy nhất thoát nạn trong 9 phi công phải nhảy dù hôm đó, theo Telegraph.
Sử gia James Bradley phát hiện số phận bi thảm của các phi công Mỹ bị quân Nhật bắt hôm đó khi nghiên cứu lời khai của các tù binh chiến tranh Nhật bị xét xử sau này vì thực hiện tội ác chiến tranh đối với phi công Mỹ bị bắt làm tù binh trong trận tập kích Chichi Jima.
Một lính Nhật tên là Iwakawa khai trong phiên tòa rằng nhân viên vận hành điện đàm Marve Mershon sau khi bị bắt đã lập tức bị dẫn tới một hố chôn. Tại đây, lính Nhật bịt mắt Mershon, buộc anh phải quỳ xuống rồi dùng kiếm chặt đầu. "Khi bị xử tử, anh ta không kêu khóc, mà chỉ rên lên một tiếng nhỏ", người lính này kể lại.
Thiếu tá Nhật Sueo Matoba hôm sau ra lệnh cho bác sĩ quân y Teraki xử lý thi thể Mershon, lấy đi gan và bắp đùi chế biến thành món ăn trong bữa tiệc phục vụ các sĩ quan cao cấp trên đảo, trong đó có tướng Yoshio Tachinaba, chỉ huy toàn bộ lực lượng ở Chichi Jima.
Tổng cộng 4 phi công Mỹ đã chịu số phận bi thảm này, khi họ lần lượt bị lính Nhật sát hại để phục vụ cho các "bữa tiệc máu". Bốn tù binh Mỹ còn lại bị hành quyết bằng gậy.
Có tổng cộng 30 binh sĩ Nhật Bản tham gia thực hiện tội ác này, trong số đó có 5 người bị tuyên án, gồm đại úy Yoshii, thiếu tá Matoba, tướng Tachibana, đô đốc Mori và bác sĩ Teraki. Phiên tòa xét xử diễn ra vào tháng 8/1946, tuy nhiên tại thời điểm này hành động ăn thịt người chưa được đưa vào luật quốc tế.
Tướng Tachibana, kẻ trực tiếp ra lệnh hành quyết các phi công Mỹ, bị kết án "ngăn cản việc an táng theo đạo lý" và lĩnh án tử hình bằng hình thức treo cổ. Chi tiết vụ xét xử được giữ bí mật trong thời gian dài để tránh làm thân nhân của bốn phi công bị khủng hoảng tinh thần.
Khi sử gia Bradley tới gặp George W. H. Bush để hỏi về câu chuyện khủng khiếp của những phi công tham gia không kích đảo Chichi Jima, Bush chỉ im lặng. "Ông ấy lắc đầu nhiều lần và cứ thế giữ im lặng, không biểu lộ thái độ ghê tởm, sốc hay kinh sợ. Ông ấy là cựu chiến binh của một thế hệ khác chúng ta", Bradley kể lại.
Cựu tổng thống George W. H. Bush quay trở lại Chichi Jima cùng Bradley trong bộ phim tài liệu của CNN năm 2003. Bush "cha" cho biết lúc đó không hiểu sao vẫn sống sau trận tập kích dù oanh tạc cơ bị phòng không Nhật Bản bắn trúng. "Tôi vẫn nhớ về những người đó", Bush nói với Bradley về những phi công cùng tham gia trận không kích Chichi Jima tháng 9/1944.