"Không nên nhập hàng Trung Quốc về gia công rồi lấy xuất xứ 'made in Vietnam' xuất sang Mỹ... Làm vậy sẽ gánh chịu tác động khó lường", ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cảnh báo tại hội thảo chiều 1/12. Ông Tuyển gọi cách làm này của doanh nghiệp là "tham lam" và nên tránh khi nhắc tới tác động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Ông Tuyển cho rằng, xung đột thương mại Mỹ - Trung không đơn thuần do Trung Quốc xuất siêu lớn vào Mỹ. Sâu xa hơn, đây là cuộc cạnh tranh chiến lược để giữ vị trí siêu cường số 1 của Mỹ và giành vị trí này. Vì thế, cuộc chiến sẽ khó dừng sau một vài đợt đàm phán.
Dẫn tính toán của các chuyên gia quốc tế, ông cho hay, cứ 100 tỷ USD đánh thuế trong xung đột thương mại, kinh tế thế giới giảm 0,14% tăng trưởng và thương mại giảm 4%. Đây là nguyên nhân dự báo kinh tế 2019 sẽ "không đẹp như năm 2018".
Với Việt Nam, theo ông, doanh nghiệp Việt sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn ở các thị trường khác khi Trung Quốc giảm bán hàng vào thị trường Mỹ và chuyển hướng sang những nơi này.
Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại. Ảnh: N.M |
Cùng quan điểm, Nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng lo ngại Việt Nam có thể trở thành bãi rác công nghệ lạc hậu của Trung Quốc, gây ô nhiễm môi trường. Việt Nam cũng có nguy cơ trở thành sân sau của Trung Quốc, tiếp tay cho các doanh nghiệp nước này trốn thuế nhập khẩu vào Mỹ khi dán nhãn "made in Vietnam".
"Lực lượng doanh nghiệp Việt quá yếu, chưa có trụ cột trong khi môi trường kinh doanh kém phẳng, cơ cấu kinh tế trì trệ nhiều năm... là những thách thức không dễ gì vượt qua", ông Thiên nhận xét.
Ngoài ra, ông Trần Đình Thiên cũng thừa nhận ngoài cơ hội thì khó khăn cũng rất nhiều với Việt Nam trong cuộc xung đột giữa hai cường quốc này.
"Nếu mải mê nhặt nhạnh, kiếm ăn trong thế giới biến đổi thì tầm nhìn đó là ngắn hạn. Đây là cơ hội mang tính lịch sử, chúng ta có thực lực nhất định tận dụng cơ hội này.
Theo ông Thiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động rất mạnh tới Việt Nam do đây là 2 đối tác thương mại lớn nhất ở cả hai chiều. "Việt Nam lâm vào thế lưỡng nan khi xu hướng tác động cả tích cực, tiêu cực đều rất mạnh", ông Thiên nhận xét.
Ông cũng lo ngại Việt Nam sẽ rơi vào vòng xoáy tỷ giá giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khi 11 tháng qua VND đã tăng 7% so với nhân dân tệ. Nếu nhân dân tệ tiếp tục mất giá, các ngành thuỷ sản, phân bón, sắt thép... sẽ gặp bất lợi vì giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc giảm, trong khi nhập khẩu tăng và phải cạnh tranh với hàng giá rẻ Trung Quốc tại thị trường nội địa.
Trong khi đó dệt may, ôtô, dược phẩm... được dự báo là những ngành hưởng lợi nhờ giá dầu giảm. Ngoài ra, dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc cũng có tác động hai mặt. "Chưa thể lường hết tác động", ông Thiên kết luận.
Dẫu vậy, vẫn có những cơ hội lớn được mở ra từ cuộc chiến này, theo ông Thiên, là thu hút đầu tư từ Trung Quốc và ngoài Trung Quốc, tạo khả năng thay đổi chiến lược thu hút đầu tư. Cơ hội nữa là chuyển hướng thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường ngoài Trung Quốc.
Cho rằng cuộc chiến thương mại này sẽ 'khó kết thúc trong ngắn hạn', ông Thiên lưu ý, các doanh nghiệp Việt không nên "loá mắt trước các cơ hội dễ", tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đột phá thể chế và tận dụng cơ hội tăng thương mại chính sách, hạn chế tiểu ngạch, buôn lậu sang nước láng giềng.
Còn ông Trương Đình Tuyển thì tin tưởng, CPTPP và EVFTA sắp được ký kết sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam khi cuộc chiến Mỹ - Trung chưa biết điểm kết thúc.