Theo nghiên cứu được thực hiện bởi một tổ chức nhân đạo và phòng chống hành hạ động vật, dù chỉ chiếm 6% số lượng loài chó nhưng Pitbull lại là thủ phạm của 68% các vụ chó tấn công người và 52% những vụ thiệt mạng liên quan tới chó, kể từ năm 1982 tới nay.
Không phải ngẫu nhiên mà Pitbull được mệnh danh là "sát thủ máu lạnh", "võ sĩ giác đấu" hay "chó chiến binh".
Zing thông tin, Pitbull lần đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIX tại Anh, được lai tạo giữa dòng Bulldog và Terrier. Chúng tạo ra nhằm kế thừa tốc độ, sự hiếu chiến của giống Terrier cùng sức mạnh của Bulldog. Với tính cách đó, Pitbull được đem ra đấu với bò tót, gấu. Khi các trò chơi này bị cấm vào năm 1985, các kẻ ham mê bạo lực sử dụng Pitbull vào các cuộc đấu chó.
Đầu thế kỷ XX, các cuộc đấu chó dần biến mất, Pitbull được sử dụng để làm chó săn, săn bò, heo rừng, được ưa thích bởi giới tội phạm vì có thể bảo vệ các kho ma túy, tấn công cảnh sát.
Trong hơn 400 loài chó hiện nay trên thế giới, Pitbull đứng đầu danh mục các giống chó nguy hiểm nhất với con người.
Pitbull bình thường đặc biệt trung thành và tình cảm với chủ, chúng rất hiền lành và thân thiện trừ khi bị tấn công hoặc đe doạ. Sự nguy hiểm của loài chó này không chỉ đơn thuần xuất phát từ tính hung dữ sẵn có trong gene mà còn nằm ở tính hiếu chiến, lỳ đòn, bền bỉ không chịu khuất phục và không bao giờ lui trận dù gặp phải đối thủ to lớn và tàn bạo hơn. Do tập tính lãnh thổ nên Pitbull có thể tấn công bất kỳ ai khiến chúng cảm thấy bị uy hiếp.
Chúng chiến đấu rất hăng mỗi khi có đối thủ hoặc người lạ xâm nhập vào lãnh địa và sẵn sàng tấn công đối phương đến chết khi giao đấu. Sự ham mồi và nguy hiểm của Pitbull thể hiện ở thói quen một khi đã ngoạm vào đối phương là sẽ không buông ra, trừ khi vật đó đứt lìa thì chúng mới chuyển sang tấn công chỗ khác và thậm chí còn day nghiến nạn nhân cho tới chết.
VTC News đưa tin, một báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) về các thương tật do chó cắn năm 1978 - 1998 xác nhận, Pitbull gây ra nhiều cái chết hơn bất kỳ một loài chó nào khác trên thế giới, dù CDC hiện không còn thu thập thông tin về từng loài chó cụ thể.
Trước tình trạng số lượng Pitbull ngày càng tăng, một số ý kiến tin rằng giải pháp tốt nhất là triệt sản có chọn lọc.
Chó Pitbull chiếm tới trên 60% số chó nuôi trong nhà nhưng chỉ 38% trong số này đã triệt sản. Vì vậy, nhiều người cho rằng, triệt sản có chọn lọc là phương pháp hiệu quả và nhân đạo nhất nhằm giải quyết tình trạng chó tấn công người và tránh ngày càng nhiều con chó Pitbull bị bắn hạ vì cắn chết chủ.
Hiện có rất nhiều chương trình triệt sản miễn phí cho chó Pitbull, trong đó có cả chương trình của Hội Chống bạo hành động vật Mỹ (ASPCA). Tuy nhiên, ngay cả các chiến dịch quy mô nhất cũng không thể triệt sản đủ chó Pitbull để giảm số chó nhà trong tương lai.
Mộc Miên (Tổng hợp)