AFF Suzuki Cup 2018 Tin tức, lịch thi đấu, BXH được cập nhật liên tục hàng ngày

logo
quang cao
Thể Thao

Tranh cãi khiến APEC lần đầu không ra được tuyên bố chung

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: AFP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: AFP.

Lãnh đạo 21 nền kinh tế hôm qua rời Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 diễn ra ở quốc đảo Papua New Guinea trong hai ngày cuối tuần mà gần như không có thành quả nào trong tay, ngoại trừ ba bức ảnh chụp chung và tấm áo truyền thống của nước chủ nhà, theo AFP. Lần đầu tiên trong gần ba thập kỷ, các lãnh đạo APEC không thể ra được tuyên bố chung sau kỳ họp.

APEC ra đời với mục tiêu thúc đẩy tự do thương mại, nhưng trong hai ngày qua, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên chứng kiến những cuộc tranh luận nảy lửa về chính mục tiêu này, khi Mỹ và Trung Quốc đưa ra tầm nhìn hoàn toàn đối lập. Tranh cãi này lớn đến mức hai bên không thể khỏa lấp được để đưa ra tuyên bố chung, văn bản mang tính kỹ thuật nhằm giúp các thành viên thu hẹp bất đồng, khẳng định sự nhất trí chung và hứa hẹn những điều tốt đẹp trong tương lai.

Sự kiện hôm 17/11 hoàn toàn bị phủ bóng bởi bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, những người xuất hiện ở đây để thể hiện nỗ lực của quốc gia mình nhằm giành quyền lãnh đạo khu vực.

Pence cảnh báo các nước nhỏ đừng bị mê hoặc bởi sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh cung cấp tiền cho các quốc gia nghèo thực hiện những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ. Phó tổng thống Mỹ gọi những khoản cho vay này là "mù mờ", đi kèm với nhiều điều kiện và có thể tạo nên "khoản nợ khổng lồ", đồng thời mỉa mai sáng kiến này của Trung Quốc là "vành đai siết chặt và con đường một chiều".

Ông hối thúc các nước trong khu vực hướng tới Mỹ, quốc gia không "nhấn chìm các đối tác trong biển nợ" hay "cưỡng ép, gặm nhấm hay đe dọa độc lập của các bạn".

Chỉ vài phút trước đó, ông Tập lại khẳng định sáng kiến Vành đai và Con đường không phải là "chiếc bẫy" và không kèm theo "chương trình bí mật", bác bỏ những lời chỉ trích cho rằng đây là một phần trong chính sách "ngoại giao ngân phiếu" của Bắc Kinh trong khu vực. Chủ tịch Trung Quốc còn phê phán chủ nghĩa bảo hộ thương mại "Nước Mỹ trên hết", cho rằng đây là "hướng đi thiển cận và chắc chắn sẽ thất bại".

Đến chiều 18/11, khi lãnh đạo các nền kinh tế bắt đầu ra sân bay rời Papua New Guinea, không có một tuyên bố chung nào như thường lệ được đưa ra để cho thấy những nội dung mà họ đã thống nhất trong các cuộc thảo luận.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu trong một cuộc họp báo rằng cho đến lúc ông rời hội nghị, có vẻ như chỉ có một "bản tổng kết của chủ tịch" được Thủ tướng nước chủ nhà O'Neill đưa ra, chứ không phải là văn bản đại diện cho toàn bộ lãnh đạo APEC. "Chúng tôi có sự đồng thuận cao trong nhiều vấn đề", Trudeau cho biết. "Nhưng tôi cho rằng sẽ không có gì ngạc nhiên khi có tầm nhìn khác biệt trong một số vấn đề liên quan đến thương mại và chính điều đó ngăn cản sự đồng thuận hoàn toàn về tuyên bố chung".

O'Neill tổ chức một cuộc họp báo vội vã ngay sau đó. "Các bạn biết đấy, có hai người khổng lồ trong phòng. Tôi có thể nói được gì đây?", ông thông báo với các phóng viên. O'Neil cho biết các lãnh đạo không thể thống nhất được với nhau về ngôn ngữ trong tuyên bố chung đề cập đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Từ trái qua phải: Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah

Từ trái qua phải: Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah trao đổi bên lề hội nghị APEC ở Papua New Guinea. Ảnh: AP.

Mỹ trong nhiều năm qua đã không hài lòng với việc WTO thực thi một số quy định về thương mại quốc tế, đặc biệt là những quy định đang được áp dụng với Trung Quốc, quốc gia mà Washington không chấp nhận rằng đang có nền kinh tế thị trường bởi các doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò chi phối.

Trong kỳ APEC lần này, các lãnh đạo nỗ lực đề xuất những cải cách đối với WTO, trong đó có một sáng kiến do Canada đề xuất nhằm giải quyết những lo ngại của Mỹ. Washington hiện ngăn cản việc bổ nhiệm thêm bất cứ thẩm phán nào vào Cơ quan Phúc thẩm Thường trực của WTO, đe dọa tính khả thi của hệ thống giải quyết tranh chấp mà các quốc gia đang dựa vào để giải quyết mâu thuẫn thương mại.

"Các cuộc thảo luận đang được tiến hành cho tới phút cuối cùng", Thủ tướng Canada Trudeau tiết lộ với các phóng viên vào đầu giờ chiều 18/11 về nỗ lực hoàn thiện tuyên bố chung, nhưng rốt cuộc một văn bản như vậy đã không xuất hiện. Tuy nhiên, Trudeau sau đó không cung cấp bất cứ thông tin cụ thể nào về lý do tuyên bố chung không được thông qua.

Tuyên bố chung APEC thường được chuẩn bị từ trước, nhưng có vẻ như trong kỳ hội nghị lần này ở Papua New Guinea, nỗ lực đó đã thất bại và các lãnh đạo cũng không thể dàn xếp được những bất đồng trong các cuộc thảo luận chung.

Trong sáng 18/11, các lãnh đạo có một số cơ hội để thảo luận về văn kiện này, đó là phiên chụp ảnh vào đầu giờ sáng và phiên thảo luận toàn thể trong buổi sáng hôm đó với Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde kéo dài trong khoảng một giờ, sau đó các lãnh đạo gặp riêng trong nửa giờ để trao đổi về chủ đề của hội nghị năm nay.

Nhưng đến trưa, Phó tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đều rời khỏi hội trường nơi các lãnh đạo khác vẫn đang họp, dường như bỏ qua bữa trưa làm việc được lên kế hoạch từ trước. Đến chiều, lãnh đạo của các nền kinh tế còn lại theo đuổi những cuộc gặp song phương của riêng mình và sau đó ra sân bay về nước, để lại nước chủ nhà với một bản tuyên bố tổng kết sẽ được ra "trong vài ngày tới".

Một quan chức cấp cao Mỹ sau đó giải thích rằng sự phản đối của Trung Quốc với câu "Chúng tôi nhất trí chống lại chủ nghĩa bảo hộ bao gồm tất cả hành động thương mại không công bằng" trong bản dự thảo đã khiến tuyên bố chung không được thông qua, trong khi tất cả 20 nền kinh tế còn lại đều ủng hộ đưa câu này vào văn kiện. Quan chức này khẳng định đây không phải là hậu quả của "màn đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc".

"Tôi thấy tiếc cho Papua New Guinea, đây lẽ ra là màn thể hiện lớn của họ", Euan Graham, giám đốc La Trobe Asia, mô tả về tình cảnh "kẹt giữa hai làn đạn" của nước chủ nhà trước hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Xem thêm>>

Xem thêm>>