Thầy Trần Trung Hiếu (giáo viên Sử - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu- Nghệ An) ngoài việc là một thầy giáo giỏi thì ông cũng là người được dư luận biết tới với vai trò một người phản biện các chính sách giáo dục. Nhân dịp 20/11, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với thầy giáo xứ Nghệ này.
Đầu tiên cho tôi gửi lời chúc tới Thầy nhân ngày 20/11. Thời gian qua dư luận được biết đến thầy không chỉ với vai trò là thầy giáo, mà thậm chí có người còn gọi thầy là "một chuyên gia" phản biện chính sách giáo dục . Thầy thấy sao với cách gọi này?
Tôi cho rằng, trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục hiện nay, sẽ khó thành công khi thiếu sự đồng hành của truyền thông, báo chí. Tôi không phải là "một chuyên gia", chỉ là một nhà giáo luôn nặng lòng với nghề, tận tụy với học trò, cởi mở, chân thành với các đồng nghiệp. Tôi đã 25 năm đi dạy và đã, đang, sẽ luôn gắng làm tốt thiên chức của mình, trong vị trí công tác của mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Trong bối cảnh nền giáo dục của đất nước đã và đang chuyển mình cùng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh những việc đã làm được, vẫn còn quá nhiều vấn đề giáo dục mà đội ngũ các nhà giáo, phụ huynh, học sinh trăn trở, lo lắng, Quốc hội bàn luận, báo chí đề cập.
Từ vấn đề đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá, thi cử, từ cơ chế, chính sách với nhà giáo đến văn hóa học đường còn nhiều bất cập đã tác động sâu sắc và toàn diện đến học sinh và đội ngũ thầy cô giáo.
Với góc độ là một nhà giáo, nhiều năm qua bằng tâm huyết cùng một chút hiểu biết của mình về ngành, về nghiệp, tôi cũng đã và đang cùng trao đổi, sẻ chia những quan điểm phản biện với báo chí một cách cởi mở, thẳng thắn, cùng đồng hành với ngành giáo dục đào tạo trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.
Tất cả những gì mà tôi đã sẻ chia chỉ với một thiện chí, chỉ với một động cơ là muốn "sau cơn mưa trời sẽ sáng hơn", dẫu biết rằng có thể "một cánh én nhỏ" cũng chẳng làm nên nổi một mùa xuân.
Là một thầy giáo, khi tham gia phản biện, đóng góp các chính sách, vấn đề trong giáo dục với mong muốn xây dựng một nền giáo dục tốt hơn, thầy có gặp "áp lực" gì không?
Trong công việc và cuộc sống , tôi luôn suy ngẫm và trải nghiệm nhiều sự trăn trở. Tôi luôn đồng thuận và thực hiện phương châm sống là: trong cuộc đời, chúng ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng được chọn cách mình để sống, con đường mình để đi.
Đã có rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè, học trò cũ của tôi nhiều năm qua vẫn bày tỏ sự băn khoăn đan xen nỗi niềm lo lắng trước những quan điểm, cách nhìn nhận và chính kiến của tôi trên truyền thông, báo chí. Người ta thường hay nói cái câu cửa miệng quen thuộc là " Trực ngôn thì nghịch nhĩ".
Thực trạng giáo dục nhiều năm gần đây, rất nhiều đồng nghiệp biết và hiểu, nhiều người băn khoăn, trăn trở nhưng ít người dám nói, dám viết, dám trả lời phỏng vấn trước giới truyền thông.
Xã hội ngày càng văn minh, dân chủ thì nên cần sự phản biện xã hội. Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do "tế nhị" trong công việc, cuộc sống và chằng chéo nhiều mối quan hệ đã trở thành "vách núi" hạn chế những điều muốn nói.
Tôi thiết nghĩ, góp ý, phản biện là luôn cần thiết, nhưng phải trên tinh thần thiện chí, xây dựng và có văn hóa. Nói thì nên phải chính danh, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng sẽ hiệu quả hơn nhiều việc mà người ta lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của một số cơ quan quản lý Nhà nước cũng như tính 2 mặt của mạng xã hội để chửi bới, mạt sát, xúc phạm đến ngành, đến nghề, đến các đồng nghiệp.
Trong đời đi dạy của mình, tôi chỉ luôn tâm niệm và thực hiện một điều rất bình thường và bình dị là luôn gắng làm tròn vai, làm tốt thiên chức của mình trong khả năng của mình.
Tôi cho rằng, làm một giáo viên thì việc dạy môn gì, dạy trường nào, bậc dạy nào, có học hàm, học vị như thế nào không quá quan trọng. Quan trọng là 3 điều sau. Thứ nhất, dạy như thế nào. Thứ hai, kết quả ra sao. Thứ 3, nhưng cá nhân tôi cho rằng lại là ý nghĩa nhất của 1 nhà giáo là có để lại những dấu ấn, những kỷ niệm đẹp trong tiềm thức và trái tim của các thế hệ học trò mà mình đã dạy nữa không.
Lâu nay nghề giáo luôn được biết tới là một nghề đầy thiệt thòi, trách nhiệm với xã hội thì vô cùng lớn trong khi thu nhập thì thấp. Có khi nào thầy suy nghĩ về điều này?
Tôi thiết nghĩ, những ai đã chấp nhận đi theo nghề dạy học là đồng nghĩa với việc sẽ đón nhận cái "nghiệp" nghèo khó từ đồng lương, thu nhập chính đáng ngoài lương.
Rất nhiều đồng nghiệp của tôi đang công tác, giảng dạy và cống hiến trên nhiều địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, ở những vùng kinh tế xã hội còn rất nhiều khó khăn.
Vậy mà họ vẫn tâm huyết với nghề, vẫn "cõng chữ lên non" để mưu sinh chứ không dám mưu cầu những điều cao xa. Nhiều thầy cô giáo tận tụy, trọn đời cống hiến với nghề, với đồng bào dân tộc thiểu số nhưng hầu như chưa được một lần tôn vinh, không có cơ hội để được đón nhận sự ghi nhận các danh hiệu mà Đảng, Nhà nước và ngành trao tặng, được báo chí truyền thông để ý.
Các đồng nghiệp của tôi ở những vùng miền như vậy đã và đang thiệt thòi hơn chúng tôi- những giáo viên ở đồng bằng, đô thị.
Vì vậy, tôi cho rằng, cứ đến dịp 20/11 hàng năm, các cấp lãnh đạo của ngành, của các địa phương nên dành nhiều thời gian hơn, nhiều nguồn lực hơn để quan tâm đến những trường học ở các vùng miền đặc biệt khó khăn để chia sẻ với đội ngũ các thầy cô giáo. Và đương nhiên, các cơ quan truyền thông báo chí nên "vi hành" nhiều hơn, tác nghiệp nhiều hơn để viết bài, đưa tin, để tuyên truyền, khích lệ những tấm gương sáng của "những người lái đò" lặng lẽ, miệt mài chở những con thuyền trí tuệ qua sông.
Có lẽ, viết về nghề giáo, tôi cho rằng không có câu nào hay hơn lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng : "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người. Họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương, dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời".
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, xin kính chúc các nhà giáo, các anh chị em đồng nghiệp, những thầy cô giáo là học trò cũ của tôi luôn tận tâm với nghề, tận tụy với trò để làm tốt thiên chức cao quý mà xã hội đã ghi nhận, nhân dân đã tôn vinh.
Xin cảm ơn Thầy!