AFF Suzuki Cup 2018 Tin tức, lịch thi đấu, BXH được cập nhật liên tục hàng ngày

logo
quang cao
Thể Thao

Thông điệp trong vụ thử vũ khí 'bức tường thép' của Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát nhà máy kính Taegwan ngày 18/11. Ảnh: KCNA.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát nhà máy kính Taegwan ngày 18/11. Ảnh: KCNA.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 16/11 thị sát vụ thử nghiệm một loại vũ khí chiến thuật mới phát triển để có thể trở thành "bức tường thép" của nước này, truyền thông Triều Tiên đưa tin cuối tuần trước nhưng không nêu cụ thể thông số của vũ khí mới, theo Reuters.

Các chuyên gia nhận định vụ thử vũ khí chiến thuật tại Học viện Khoa học Quốc phòng này là một phần trong lộ trình hiện đại hóa lực lượng quân đội 1,3 triệu người bằng vũ khí công nghệ cao của Kim Jong-un, Reuters đưa tin ngày 18/11.

"Có thể coi đây là hoạt động cải cách quân đội nhằm gửi thông điệp cho thế giới rằng đừng đánh giá thấp năng lực lực lượng quân đội đang được hiện đại hóa của Triều Tiên", Choi Kang, phó giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách Asan tại Seoul, nhận định.

Các loại vũ khí chiến thuật tối tân như vậy sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng với quân đội Triều Tiên khi nước này từ bỏ một phần kho vũ khí hạt nhân theo cam kết được đưa ra trong các cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc.

Các chuyên gia quân sự cho rằng vũ khí hạt nhân không phải là con bài răn đe duy nhất của Triều Tiên trước liên quân Mỹ - Hàn. Lực lượng quân đội trang bị lựu pháo và pháo phản lực phóng loạt triển khai ở tiền phương của Triều Tiên đủ sức đe dọa và gây thiệt hại nặng với liên quân ở bên kia Khu Phi quân sự.

Quân đội Triều Tiên đang biên chế khoảng 5.500 pháo phản lực, 4.300 xe tăng chủ lực, 2.500 thiết giáp, 810 tiêm kích phản lực, 430 chiến hạm vào 70 tàu ngầm, theo báo cáo năm 2016 của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.

Theo Yonhap, loại vũ khí chiến thuật được Triều Tiên thử nghiệm hôm 16/11 là tổ hợp pháo phản lực mới, trong khi một số chuyên gia lại nhận định đây là tên lửa tầm ngắn.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington cho biết Triều Tiên còn hiện đại hóa quân đội bằng việc phát triển tàu đổ bộ đệm khí cho lực lượng đặc nhiệm với quân số lên đến 200.000 người. Theo báo cáo của viện, Triều Tiên vẫn còn khoảng 13 căn cứ tên lửa chưa được công khai.

"Ngành công nghiệp quốc phòng nên phát triển và sản xuất các loại vũ khí, khí tài quân sự mạnh theo cách của chúng ta, phù hợp với cấu trúc sản xuất theo định hướng Chủ thể, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất với khoa học và công nghệ tiên tiến", Kim Jong-un từng phát biểu trong Thông điệp Năm mới 2018. 

Trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 9 tại Bình Nhưỡng, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đồng ý giảm căng thẳng quân sự tại khu vực biên giới. Theo thỏa thuận, Triều Tiên đồng ý rút các trận địa pháo được bố trí dọc theo bờ biển phía tây hướng về các đảo do Hàn Quốc kiểm soát, nơi từng xảy ra trận đấu pháo vào năm 2010 gây ra thiệt hại cho cả hai phía. Tuy nhiên, thỏa thuận không yêu cầu Triều Tiên rút các tổ hợp pháo phản lực đang bố trí ở biên giới và có thể bắn tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Việc công bố vụ thử vũ khí hiện đại là thông điệp mà Kim Jong-un gửi các tướng quân đội và người dân Triều Tiên rằng họ không cần lo lắng về tương lại không có vũ khí hạt nhân đất nước, chuyên gia quân sự Kim Dong-yub tại đại học Kyungnam nhận định. "Việc này là cần thiết với Kim Jong-un để củng cố niềm tin trong nước, dù điều này có thể dẫn tới phản ứng tiêu cực từ bên ngoài", chuyên gia này nói.

Xem thêm>>

Xem thêm>>