AFF Suzuki Cup 2018 Tin tức, lịch thi đấu, BXH được cập nhật liên tục hàng ngày

logo
quang cao
Thể Thao

"Thầy cô giáo phải như một người kỹ sư tâm hồn, người nghệ sĩ trên bục giảng"

Từng là một học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, chị Nguyễn Thị Ngọc Hà đã gạt bỏ đi rất nhiều cơ hội tại Hà Nội phồn hoa để trở về quê hương "gieo mầm" tình yêu Lịch sử với những học sinh nơi đây.

Cái duyên với nghề giáo

Trở lại 15 năm về trước, năm 2003 chị Nguyễn Thị Ngọc Hà khi đó là một cô học sinh chuyên Sử của trường THPT Lương Ngọc Khuyến (Thái Nguyên), năm đó chị đạt được giải Nhì trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử. Đạt HSG Quốc gia đồng nghĩa với việc sẽ được một "vé đặc cách" vào một trường đại học, khi đó chị Hà trăn trở về việc sẽ trở thành một người nghiên cứu Sử hay thành một giáo viên.

Chị Hà cho biết, dù là nghề giáo viên hay là nhà nghiên cứu thì chị cũng đều vui khi được sống cùng tình yêu với Sử. "Khi đó, tôi nghĩ về những thầy cô của mình, nghĩ về niềm đam mê Sử được ảnh hưởng từ những người thầy, người cô của mình. Nhưng lại cũng thích thành một người nghiên cứu sử, khi nghĩ về những cuốn sách quý báu mình đã được đọc", chị Hà cho hay.

Giáo dục - 'Thầy cô giáo phải như một người kỹ sư tâm hồn, người nghệ sĩ trên bục giảng'

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà, giáo viên Lịch sử trường THPT Hoàng Quốc Việt (Thái Nguyên).

Để rồi, sau nhiều đêm suy nghĩ, cô học sinh ngày đó quyết định đi đăng ký theo học trường đại học Sư phạm Hà Nội , chị Hà chia sẻ: "Em quyết định học Sư phạm để trở thành một cô giáo, để có thể đem tình yêu Sử tới những bạn thế hệ sau".

Thời gian đầu học trường Sư phạm quả là quãng thời gian khó khăn đối với cô sinh viên nhỏ bé. Bố mẹ đã già nên không thể nuôi được chị ăn học với chi phí đắt đỏ tại Thủ đô. Vì vậy, chị đã phải bươn chải với nhiều nghề khác nhau sau mỗi giờ ngồi ghế giảng đường để có tiền sinh sống.

Nhớ về khoảng thời gian ấy, chị không khỏi bồi hồi: "Sáng tôi đi học, chiều lại đạp xe bán kem ở gần trường trong suốt năm học đầu tiên. Số tiền kiếm được cũng đủ để trang trải cho cuộc sống. Sau đó, tôi đã chuyển đi làm gia sư để có thể quen với nghề, mà thu nhập cũng khá hơn trước".

Ra trường năm 2007, chị xung phong lên công tác tại Trường THPT Hoàng Quốc Việt của huyện vùng cao Võ Nhai. Khi đó, trường mới thành lập 1 năm, cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học còn muôn vàn khó khăn. Chị cho biết, ngày đó chị đã phải đắn đo giữa việc về quê hương hoặc ở Hà Nội để giảng dạy.

"Ngày đó cũng có vài cơ hội để tôi có thể đi dạy ở Hà Nội với thu nhập khá cao, nhưng tôi đã quyết định chọn về để đem tình yêu lịch Sử tới các em còn thiếu nhiều khó khăn về điều kiện học tập nơi quê nhà", chị Hà tâm sự.

Trong 10 năm công tác, dưới sự dìu dắt của chị, năm học vừa qua, đã có 3 học trò đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; một em đoạt giải Nhì cấp tỉnh cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn.

Không chỉ giỏi trong giảng dạy, chị Hà còn rất có duyên với giải thưởng, nhất là các cuộc thi liên quan đến tìm hiểu lịch sử. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết dù là tham dự cuộc thi gì đi nữa thì mục đích cuối cùng cũng là giúp mình có thêm kiến thức để phục vụ cho công tác giảng dạy tại trường.

Cần có nhiều phương pháp dạy khác nhau để dạy học

Chị Hà cho hay: "Tham gia các cuộc thi tìm hiểu lịch sử không đơn thuần là khẳng định bản thân, quan trọng hơn đó là cách tôi có cơ hội tích lũy, bồi đắp thêm kiến thức phục vụ cho công tác chuyên môn. Để từ đó tiếp tục truyền ngọn lửa của tình yêu quê hương đất nước, biết trân trọng, bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông đến các thế hệ học sinh của mình".

Nói về việc giảng dạy môn Lịch sử, chị Hà khẳng định, những người giáo viên Lịch sử đều chung một niềm mong mỏi là làm thế nào để các em học sinh có hiểu biết và đam mê môn Lịch sử, từ đó bồi dưỡng cho các em lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Nhưng cách thức tổ chức như thế nào cho hiệu quả lại phụ thuộc vào phương pháp vận dụng các hình thức dạy học của từng giáo viên.

"So với các bộ môn khác, môn Lịch sử có những đặc trưng riêng nên nhiều em học sinh có tâm lí sợ khó, ngại học môn Lịch sử. Thầy cô giáo phải như một người kĩ sư tâm hồn, người nghệ sĩ trên bục giảng. Môn Lịch sử với nhiệm vụ khôi phục lại bức tranh quá khứ chân thực bao nhiêu, sinh động và hấp dẫn bao nhiêu lại không thể thiếu đi tài năng và tâm huyết của người giáo viên dạy Sử. Để một giờ học Lịch sử thành công, không thể thiếu một chút "gia vị" đó chính là ánh mắt, cử chỉ, sự dẫn dắt học sinh vào nội dung bài học qua việc sử dụng thơ văn, âm nhạc, câu chuyện lịch sử hấp dẫn…", chị nói.

Giáo dục - 'Thầy cô giáo phải như một người kỹ sư tâm hồn, người nghệ sĩ trên bục giảng' (Hình 2).

Một tiết học mà cô giáo Ngọc Hà cho các em học sinh nhập vai nhân vật.

Cũng theo chị Hà, đổi mới phương pháp dạy là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là Chương trình Giáo dục phổ thông mới sắp đi vào thực tế đề cao những phương pháp trực quan sinh động trong việc dạy và học: "Để tổ chức dạy học lịch sử theo định hướng phát triển năng lực học sinh thì người giáo viên cần giao nhiệm vụ học tập theo dự án, cho học sinh tìm hiểu các tư liệu, hình ảnh về sự kiện, nhân vật... trước ở nhà. Đó là điều rất quan trọng để quyết định thành công của một giờ học. Từ đó, khi tổ chức dạy học trên lớp giáo viên giáo viên có thể kết hợp các phương pháp trực quan sinh động như: phương pháp đóng vai, nêu vấn đề, thảo luận nhóm, sử dụng công nghệ thông tin....

Trên cơ sở đó hình thành cho các em năng lực tự học, giải quyết vấn đề, sáng tạo, hợp tác trong thảo luận nhóm, sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngôn ngữ, tái hiện sự kiện, hiện tượng, nhân vật; thực hành với đồ dùng trực quan; so sánh, phân tích, phản biện, khái quát hóa; nhận xét, đánh giá rút ra bài học lịch sử, vận dụng, liên hệ kiến thức lịch sử đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn, thể hiện chính kiến của mình về các vấn đề lịch sử...".

Xem video: Một tiết dạy của cô Nguyễn Thị Ngọc Hà:

Xem thêm>>

Xem thêm>>