Nha Trang ghi nhận 7 trường hợp thương vong, chưa thống kê được số người mất tích do ảnh hưởng của cơn bão số 8.
Theo báo Người Lao Động, văn phòng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa vừa gửi 2 công điện khẩn đến các thành phố, huyện, thị xã, yêu cầu địa phương triển khai các phương án phòng chống lụt bão.
Mưa lớn đã gây ngập cục bộ tất cả các tuyến đường trong nội thị TP Nha Trang. Các tuyến đường lớn như 23/10, 2/4, Trần Phú, Thái Nguyên, Lê Hồng Phong... đều bị ngập sâu, nơi sâu nhất khoảng hơn 1m.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh yêu cầu các lực lượng khẩn trương di dời dân khẩn cấp trước 16h ngày 18/11 khỏi các vị trí có khả năng sạt lở.
Theo ông Tạ Thanh Tình, Chi Cục trưởng chi cục Quản lý đường bộ III, Quốc lộ 1 đoạn qua TP "Mưa lớn, đường nghiêng nên dải phân cách cứng ở giữa làn xe trở thành nơi giữ nước tạo thành điểm ngập. Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị bảo trì tháo dải phân cách này để nước mưa lưu thông, đồng thời tăng cường tuần tra, xử lý các điểm ngập".
Theo ông Tình, do tình hình mưa lớn xảy ra trên diện rộng và có khả năng ngập úng kéo dài nên chi cục đã yêu cầu các đơn vị bảo trì đường bộ bám sát địa bàn các tuyến QL1, QL27, QL27C chạy qua Khánh Hòa.
Theo ghi nhận của VOV.vn, nhiều đoạn đường sắt Bắc- Nam bị ngập sâu, buộc phải phong tỏa, ngừng chạy tàu để đảm bảo an toàn. Sau 20 năm, lần đầu tiên ga Nha Trang mới bị ngập sâu như vậy.
Không chỉ ga Nha Trang bị ngập, nhiều đoạn đường ray thuộc 2 khu gian Nha Trang- Lương Sơn, Nha Trang- Cây Cầy trên tuyến đường sắt Bắc Nam cũng đang trong tình trạng báo động.
Gần 9h ngày 18/11, đoàn tàu SE7 chạy hướng Hà Nội - Sài Gòn khi đến ga Lương Sơn buộc phải dừng lại. Gần 40 hành khách tại Ga Nha Trang được hoàn trả tiền để đi phương tiện khác.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn chi nhánh Nha Trang, cho biết đường sắt Bắc- Nam đã bị phong tỏa, tạm ngừng chạy tàu để đảm bảo an toàn.
Với tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tuyến đường sắt đoạn qua Khánh Hòa hiện nay, cơ quan chức năng chưa xác định được thời điểm thông tuyến.
Mưa lớn tại tỉnh Khánh Hòa không chỉ gây ngập úng mà còn làm sạt lở tại Xóm Núi, thuộc thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang.
Mưa lớn đã làm một phần đất đá từ đồi sạt xuống khu dân cư. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiếp cận hiện trường để ứng cứu nạn nhân.
Trả lời VOV. vn , bà Trần Thị Hoa, Phó Trưởng thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Bị thương thì đưa đi cấp cứu nhưng người mất tích có hay không thì chưa biết, một người chết thì bị trôi vớt được rồi. Nói chung là nguy hiểm lắm, mưa to từ sáng đến giờ nhà trên đó sạt hoàn toàn luôn. Bây giờ tập trung ứng cứu thôi, dân không có cơm ăn, đồ đạc, nhà cửa, xe máy cũng trôi xuống đây."
Cơn bão số 8 còn có tên gọi là Toraji. Báo Thanh Niên đưa tin, vào 18h ngày 17/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,0 độ vĩ bắc và 111,1 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 240km về phía đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, tức là từ 60 - 75km/giờ, giật cấp 10. Trong đó, vùng biển có bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên): từ vĩ tuyến 9,0 đến 12,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai trên biển: Cấp 3.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 8, trong ngày và đêm nay (18/11) ở các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông, lượng mưa phổ biến từ 50-100mm.
Từ nay đến ngày 19/11, trên các sông ở khu vực Nam Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận ở mức BĐ1-BĐ2.
Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi, ngập úng tại các vùng trũng, thấp và các đô thị thuộc khu vực trên.
Minh Anh (tổng hợp)