Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư và Uỷ viên Trung ương.
VnExpress có cuộc trao đổi với ông Vũ Thanh Sơn - Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương, người tham gia soạn thảo quy định.
- Trước đây đã có một số quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vậy tại sao nội dung này tiếp tục được ban hành văn bản mới, thưa ông?
- Nêu gương là một trong các phương thức lãnh đạo của Đảng. Quy định lần này do Ban chấp hành Trung ương ban hành là bước tiến quan trọng, đột phá về nhận thức trong việc tăng cường, đổi mới phương thức lãnh đạo, đáp ứng tình hình mới.
Chúng ta từng có quy định số 101 năm 2012 về "trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp" và quy định số 55 năm 2016 về "một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên".
Tuy nhiên, hai quy định trên chỉ đề cập tới cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, chưa chỉ rõ cụ thể là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương. Quy định nêu gương lần này chỉ đích danh gần 200 Ủy viên Trung ương, là một cam kết chính trị của mỗi người đối với chính mình và đối với toàn Đảng, toàn dân.
Như vậy, từ nay trở đi, chúng ta có 3 quy định về nêu gương, tiếp tục phát huy hiệu lực và bao quát tất cả các cán bộ, đảng viên từ cấp cao nhất tới thấp nhất.
Ông Vũ Thanh Sơn, Vụ phó phụ trách Vụ Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: Giang Huy |
- Ban soạn thảo đánh giá tình hình thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên những năm qua như thế nào?
- Trong quá trình xây dựng quy định này, Ban tổ chức Trung ương tiến hành sơ kết thực hiện quy định 101 và 55 một cách chi tiết, công phu, chỉ ra những thành công, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
Cụ thể, kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên bước đầu tạo chuyển biến tốt trong nhận thức và hành động; đa số có lối sống lành mạnh, gương mẫu trong công tác và cuộc sống... Tuy nhiên, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế.
Nhiều người trong bộ máy quản lý, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện; suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thậm chí vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Chỉ tính trong 2 năm gần đây, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và hàng nghìn đảng viên vi phạm, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, 59 cán bộ diện Trung ương quản lý. Kết quả này phản ánh sự quyết liệt của Đảng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng.
Tôi nghĩ rằng, với tinh thần quyết tâm chính trị cao của Trung ương hiện nay, các quy định nêu gương sẽ phát huy hiệu quả cao hơn.
- Quy định pháp luật có chế tài cụ thể về xử lý trách nhiệm nhưng một bộ phận cán bộ vẫn vi phạm. Trong khi đó quy định nêu gương chỉ đề cập những vấn đề "được làm và không được làm" khiến nhiều người e ngại về tính hiệu quả của nó. Ông giải thích như thế nào?
- Một trong những giá trị quan trọng của quy định là tạo sự khích lệ hoàn thiện; tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh thái độ và hành vi; đồng thời răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa nguy cơ sai phạm của từng lãnh đạo cấp cao. Do đó, nội dung thể hiện rõ giá trị "xây và chống" theo tương quan hài hòa.
Nội dung "xây" gồm 8 điểm, bao quát các mối quan hệ điển hình của người cán bộ đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân cũng như việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ... Thông qua các mối quan hệ đó, có thể đánh giá được mức độ gương mẫu của từng vị lãnh đạo cấp cao.
Nội dung "chống" gồm 8 điểm, được thể hiện theo các nội dung: Trước hết cán bộ, đảng viên phải nghiêm khắc đối với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức, tiêu cực trong lãnh đạo, điều hành; kiểm soát đối với gia đình và người thân.
Các Ủy viên Trung ương sẽ thể hiện tính tiên phong, gương mẫu qua thực hiện nội dung này.
- Như vậy đây là quy định mang tính cảnh tỉnh, răn đe thưa ông?
- Đúng vậy. Quy định này có giá trị tinh thần, để cán bộ cấp cao tự điều chỉnh mình là chính chứ không phải chế tài. Chế tài đã có trong các quy định khác, như bên Đảng đã có quy định 102 về kỷ luật đảng viên của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, còn pháp luật có Luật phòng, chống tham nhũng...
Tuy nhiên, quy định gắn đích danh các trường hợp bị điều chỉnh là Uỷ viên Bộ chính trị, Uỷ viên Ban bí thư, Uỷ viên trung ương Đảng. Trong môi trường dân chủ hiện nay, nhân dân, đảng viên đều có thể thực hiện quyền giám sát đối với cán bộ cấp cao dựa vào nội dung quy định.
Bản thân từng cán bộ khi biết đang bị nhân dân giám sát cũng sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình, làm sao để không bị người dân gán cho là sống xa hoa, tiêu dùng lãng phí. Như vậy là quy định đã có tính phòng ngừa, cảnh tỉnh, răn đe.
Quy định cũng nêu rõ, cán bộ phải chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ. Có nghĩa là khuyến khích, động viên người lãnh đạo, quản lý thể hiện ý thức tự giác, tự nguyện đề xuất xin thôi đảm nhận chức vụ khi không còn đủ điều kiện cần thiết. Từ đó xây dựng văn hóa từ chức như nhiều nước tiên tiến thế giới đã làm, tạo thành nếp văn hóa trong chính trị.
- Ông kỳ vọng gì sau khi quy định nêu gương mới được ban hành?
- Tôi cho rằng với quy định này, các cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị sẽ nâng cao nhận thức, và đặc biệt người giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu từ việc nhỏ tới việc lớn trong công tác, sinh hoạt cá nhân và gia đình.
Mỗi ủy viên Trung ương thể hiện sự nêu gương sẽ tạo sự lan tỏa mạnh mẽ từ trên xuống dưới. Nhân dân quan sát xem cán bộ, đảng viên, trước hết là các ủy viên Trung ương nói và làm như thế nào, có nhất quán và thực sự gương mẫu như quy định hay không.
Xem toàn văn quy định tại đây.