Sau 22,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thành công tốt đẹp với nhiều kết quả quan trọng.
Tại họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Phó Tổng thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.
Hoàn thành công tác nhân sự đúng trình tự
Tại kỳ họp này, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đây là nội dung quan trọng, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đánh giá cao.
Đồng thời, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Công tác nhân sự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước
Quốc hội đã xem xét, thảo luận các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018 và kết quả giữa kỳ thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016-2020 về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đây là dịp để nhìn lại tình hình thực hiện nhiệm vụ trong nửa chặng đường đã qua của nhiệm kỳ 2016-2020.
Qua báo cáo của các cơ quan hữu quan và thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội cho thấy, kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm qua mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn phát triển khá toàn diện, việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt, GDP tăng từng năm, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết sau: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019; Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Công tác lập pháp đạt nhiều kết quả
Trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 09 luật, 01 nghị quyết và cho ý kiến về 06 dự án luật khác.
Các đạo luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua gồm: Luật Chăn nuôi; luật Trồng trọt; luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; luật Cảnh sát biển Việt Nam; luật Công an nhân dân (sửa đổi); luật Đặc xá (sửa đổi); luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến gồm: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; luật Kiến trúc; luật Giáo dục (sửa đổi); luật Quản lý thuế (sửa đổi); luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đầu tư công.
Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống.
Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật; đồng thời có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.
Chất vấn thẳng thắn, lấy phiếu tín nhiệm công tâm
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.
Đây được coi như một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm.
Tổng cộng có 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 82 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó 02 Phó Thủ tướng Chính phủ, 19 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu làm rõ một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu.
Quốc hội đã hoàn thành tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, chu đáo, trách nhiệm, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục của Nghị quyết số 85/2014/QH13.
Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng xem xét các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 và một số báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan…
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.