AFF Suzuki Cup 2018 Tin tức, lịch thi đấu, BXH được cập nhật liên tục hàng ngày

logo
quang cao
Thể Thao

Dự án nuôi bò nghìn tỷ 'phá cỏ, trồng chuối' ở Hà Tĩnh

Năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà thực hiện dự án nuôi bò giống và bò thịt trên diện tích hơn 2.000 ha, tại hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Tổng mức đầu tư của dự án là 4.223 tỷ đồng, quy mô 254.000 con bò một năm.

Nhà chức trách địa phương đã điều chỉnh toàn bộ diện tích quy hoạch cao su, rừng sản xuất trên địa bàn huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ. Hàng trăm diện tích đất rừng, hoa màu của người dân cũng được thu hồi để phục vụ dự án.

Lúc đó, Hà Tĩnh đánh giá đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển chăn nuôi, tái cơ cấu nông nghiệp và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Số lượng bò nhập về của Bình Hà giảm dần theo từng năm, thời điểm này chỉ có hơn 1.000 con. Ảnh: Đức Hùng

Số lượng bò nhập về của Bình Hà giảm dần theo từng năm, thời điểm này chỉ có hơn 1.000 con. Ảnh: Đức Hùng

Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh tháng 3/2015, ông Trần Bắc Hà (lúc này là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV) cam kết ngân hàng sẽ tài trợ vốn vay cho dự án nuôi bò trên địa bàn tỉnh; dự kiến tối đa 80-90% tổng mức đầu tư của dự án với lãi suất ưu đãi dành cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Ngày 12/7/2015, lãnh đạo Hà Tĩnh tiếp tục có cuộc làm việc với đoàn công tác của BIDV do Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà làm trưởng đoàn để bàn bạc, thống nhất việc đầu tư và cho vay một số dự án trên địa bàn. Lễ ký kết hợp đồng tín dụng được tổ chức hai hôm sau, vào ngày 14/7/2015. Truyền thông đưa tin về lễ ký cho hay BIDV Hà Tĩnh là đơn vị cho vay chính.

Trong cuộc tọa đàm về phát triển công nghiệp chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh vào tháng 1/2016, ông Trần Bắc Hà đã tham dự và phát biểu ngân hàng sẽ xây dựng "chiến lược tài trợ hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao; tư vấn phát triển thị trường và vốn tín dụng cho các dự án chăn nuôi bò khả thi của doanh nghiệp".

Từ khi được cấp phép đầu tư, Công ty Bình Hà xây được 65 chuồng trại, hai khu nhà điều hành, 19 kho chứa và các công trình phụ trợ, trồng được cỏ trên diện tích 678 ha.

Sau ba năm thực hiện, dự án chỉ đạt quy mô gần 15.000 con bò/năm, đã xuất bán khoảng 43.000 con sau khi đã vỗ béo, lượng bò nhập về và thả nuôi giảm dần theo từng năm. Hiện tại công ty chỉ nuôi 1.137 con bò.

Trước việc số lượng vật nuôi không đúng như dự toán, tại các cuộc họp, đại diện Công ty Bình Hà lý giải bò không thích nghi được với khí hậu ở miền Trung nên bị chết nhiều, hao hụt dần. Hơn nữa, việc trồng và phát triển cánh đồng cỏ chưa phù hợp với thổ nhưỡng, không đạt yêu cầu về sản lượng và chất lượng phục vụ chăn nuôi.

Khu vực dự án ở xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên), xã Kỳ Hợp (huyện Kỳ Anh), từ ngoài cổng đi vào chuồng trại có hàng trăm ha đồi núi trọc lóc, cây cỏ cằn cỗi. 

Nhiều hạng mục nhà xưởng của dự án ở huyện Kỳ Anh bị tốc mái, để không một năm nay. Ảnh: Đức Hùng

Nhiều hạng mục nhà xưởng của dự án ở huyện Kỳ Anh bị tốc mái, để không một năm nay. Ảnh: Đức Hùng

Nhiều hạng mục như bờ rào gỉ sét, khu nhà chăn nuôi trống rỗng, không có nguyên liệu, máy móc để không, một số nhà xưởng bị bão quật đổ nay chưa dọn dẹp.

"Khi có chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi đã nhường đất để doanh nghiệp phát triển chăn nuôi. Nay dự án không thực hiện đúng như kỳ vọng thì cảm thấy tiếc nuối vì đất đai bị thu hồi nay bỏ hoang", một người dân ở xã Cẩm Quan nói.

Sau một thời gian nuôi bò, cuối năm 2017, Công ty Bình Hà đã phá cỏ, làm đất trồng chuối trên diện tích 200 ha đất. Nhà chức trách Hà Tĩnh đánh giá việc chuyển đổi sang trồng chuối là trái quy định, đã yêu cầu đơn vị này báo cáo.

Tại cuộc họp ngày 26/11 với UBND tỉnh Hà Tĩnh, đại diện Công ty Bình Hà đã báo cáo đánh giá lại kết quả quá trình thực hiện dự án, đề xuất điều chỉnh mục tiêu và chủ trương của công ty.

"Chúng tôi đang yêu cầu Công ty trình báo cáo để nghiên cứu xem việc tái cơ cấu như vậy là có cơ sở pháp lý hay không. Dự kiến vào ngày 5/12, khi có kết quả từ công ty, các bên liên quan sẽ họp để đưa ra hướng giải quyết", Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hoàng Văn Sơn nói.

Công ty Bình Hà đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trồng hơn 200 ha chuối. Ảnh: Đức Hùng

Công ty Bình Hà đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trồng hơn 200 ha chuối. Ảnh: Đức Hùng

Ngày 30/11, một lãnh đạo Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà nói, việc lãnh đạo BIDV Hà Tĩnh (đơn vị cho vay vốn) vừa bị khởi tố  không ảnh hưởng gì đến hoạt động của doanh nghiệp. "Sắp tới công ty sẽ phát triển theo đề án tái cơ cấu và các cổ đông sẽ hỗ trợ về vốn", vị này nói.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh sáng nay, đại diện BIDV đã công bố tạm đình chỉ chức danh giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đối với ông Kiều Đình Hòa từ ngày 29/11. Ông Nguyễn Đình Thịnh - Phó giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp lớn của BIDV giữ chức vụ Phó giám đốc phụ trách chi nhánh BIDV Hà Tĩnh từ ngày 29/11 cho đến khi có quyết định tiếp theo.

Đại diện BIDV Hà Tĩnh khẳng định các hoạt động của đơn vị diễn ra bình thường. 

Trước đó, trung tuần tháng 6, Công an Hà Tĩnh đã khởi tố bị can, bắt ông Đinh Văn Dũng (cựu Tổng giám đốc Công ty Bình Hà) và cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Nguyễn Xuân Lương (Giám đốc Công ty Tân Đại Việt) để điều tra tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, theo điều 355 Bộ luật hình sự 2015.

Theo tài liệu điều tra, trong quá trình thực hiện dự án nuôi bò Bình Hà tại hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên năm 2015-2016, ông Dũng và phía công ty đối tác do ông Lương đứng đầu bị cho rằng đã nâng khống khối lượng dự án, chiếm đoạt 110 tỷ đồng.

Ngày 29/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tống đạt quyết định khởi tố bị can, khám xét với ông Trần Bắc Hà (61 tuổi, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV), Trần Lục Lang (cựu phó tổng giám đốc), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Tĩnh).

Bốn người bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015. Bà Vân Anh được tại ngoại, ông Hà và hai người còn lại bị tạm giam. 

Bảy ngày trước, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án theo điều 206 để điều tra các sai phạm tại BIDV.

Xem thêm>>

Xem thêm>>