Theo Thạc sĩ Ngôn Ngữ học Phan Thế Hoài, nếu chịu khó kiên trì tập luyện với những phương pháp này, bạn sẽ khắc phục được hoàn toàn sự lẫn lộn khi phát âm L/N.
Việc phát âm có sự nhầm lẫn âm đầu L/N là một hiện tượng tương đối phổ biến ở một số thổ ngữ đồng bằng trung du thuộc phương ngữ Bắc bộ. Hiện tượng này từ lâu đã được coi là lệch chuẩn trong việc sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng.
Nó có ảnh hưởng ít nhiều đến độ rõ ràng của lời nói khi phát ngôn cũng như trong việc học tiếng nước ngoài. Từ đó cũng có những trở ngại nhất định về phương diện xã hội trong đời sống của con người như cơ hội việc làm hay cơ hội thăng tiến.
Nguyên nhân nào dẫn đến việc nói ngọng L, N?
Nguyên nhân khách quan:
Nguyên nhân của tình trạng phát âm lẫn lộn L/N trước hết là do môi trường giao tiếp xã hội. Đó là những địa phương mà người dân có thói quen phát âm lẫn lộn L/N như các tỉnh Vĩnh Phúc , Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ , Nam Định, Thái Bình , Ninh Bình, Hải Phòng,…thì nhiều lúc họ cũng không quan tâm việc phát âm đúng hay sai.
Một nguyên nhân nữa khiến tình trạng phát âm lẫn lộn L/N trở nên phổ biến là do việc giảng dạy các môn học nói chung, môn Ngữ văn nói riêng ở các bậc học phổ chưa chú trọng việc rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, đặc biệt là việc rèn kỹ năng nói và viết đạt đến chuẩn mực. Điều đáng lo ngại là, ngay cả các giáo viên, trong đó có giáo viên mầm non và tiểu học ở một số địa phương cũng phát âm sai.
Nguyên nhân chủ quan:
Một bộ phận người nói ngọng L/N là do nguyên nhân bệnh lý, đó là do bộ máy cấu âm bị khiếm khuyết, chẳng hạn, lưỡi ngắn quá hay dài quá đều ảnh hưởng lớn đến việc phát âm hai phụ âm này.
Đặc điểm cấu âm của cặp phụ âm L/N
Giống nhau:
Cả hai phụ âm L/N đều là phụ âm hữu thanh và vị trí cấu âm là đầu lưỡi - lợi (chân răng hàm trên), cho nên khi phát âm dây thanh rung mạnh.
Khác nhau:
Về phương thức phát âm: Âm L là phụ âm xát - bên. Khi phát âm, luồng hơi từ phổi đi qua các khoang phát âm không bị cản hoàn toàn. Luồng hơi lách qua hai bên cạnh lưỡi để thoát ra ngoài qua khoang miệng. Còn âm N là phụ âm tắc - vang mũi. Luồng hơi bị cản hoàn toàn và phải thoát ra ngoài qua khoang mũi.
Về vị trí cấu âm: Khi phát âm âm L, đầu lưỡi đặt ở vị trí lợi hàm trên, làm điểm cản một phần luồng hơi từ phổi qua khoang miệng, thoát ra hai bên cạnh của lưỡi, đầu lưỡi cong lên, lưỡi chuyển động theo chiều đi xuống. Khi phát âm N, đầu lưỡi đặt ở mặt sau của răng, tạo thành điểm cản hoàn toàn luồng hơi, sau bật ra, lưỡi thẳng, đầu lưỡi hơi tụt lại.
Luyện phát âm để khắc phục việc nói ngọng L/N
Bước 1: Luyện phát âm đúng các phụ âm L/N.
Mục đích của việc luyện phát âm hai phụ âm này là làm cho bộ máy phát âm hoạt động thuần thục, linh hoạt.
Cách phát âm: Khi phát âm âm vị N, ta để đầu lưỡi sát chân răng hàm trên. Để miệng hơi mở, bật nhanh đầu lưỡi xuống, hàm dưới hơi trễ và luồng hơi từ họng đi qua hai lỗ mũi tạo thành âm N (nờ). Khi phát âm âm vị L, ta để đầu lưỡi sát phần lợi răng hàm trên. Để miệng hơi mở, cuốn nhanh đầu lưỡi lên và luồng hơi từ họng đi qua hai mép lưỡi tạo thành âm L (lờ).
Cách luyện: Để phát âm thuần thục hai phụ âm này, người nói ngọng cần phát âm nhiều lần, lúc đầu phát âm với tốc độ chậm, sau nhanh dần. Lúc đầu phát âm từng âm vị, sau phát âm đổi chỗ xen kẽ L/N, N/L, tốc độ chậm rồi nhanh. Mục đích của cách phát âm này là làm tăng thêm sự linh hoạt của đầu lưỡi.
Bước 2: Luyện phát âm các tiếng, từ có chứa phụ âm L/N.
Cách luyện: Trước hết, tra từ điển tiếng Việt, đọc lần lượt các từ trong mục từ có chứa phụ âm đầu L/N. Ví dụ: lo lắng, lo âu, lo liệu, lo lót, lo ngại, lo toan, lo xa, lo nghĩ, lo sốt vó,…; lặng im, lặng lẽ, lẳng lặng, lặng thinh, lặng tờ, lặng ngắt, lặng yên,…
Bước 3: Luyện đọc văn bản có chứa các từ, ngữ có phụ âm đầu L/N.
Cách luyện: Trước tiên đọc từng câu có chứa một trong hai âm đầu N hoặc L, tiếp theo chuyển sang những văn bản khó hơn có trộn lẫn hai phụ âm N/L.
Ví dụ:
Đoạn văn chứa từ ngữ có phụ âm đầu N: Nam nữ thanh niên nước Nam nô nức nâng cao kĩ năng nói đúng nên không nâng niu, nới tay, nể nang với nạn này. Phải nêu nó ra, trừ món nợ nặng nề khiến ta mệt não nản chí.
Đoạn văn có chứa từ ngữ có phụ âm đầu L: Lối lên làng Lạng lắm lau lách, lùm lùm lẩn lút, lầm lũi là lạc liền. Lão Lí làng Lạng lọc lõi, láu lỉnh. Luôn leo lẻo lấy lòng lão là lũ lính lệ lấc láo, lưỡi lê lăm lăm. Lão Lí lận lưng lủng lẳng lắm loại: lưỡi lam, lập lắc, lục lạc, …lóng la lóng lánh.
Đoạn văn chứa từ ngữ có phụ âm đầu N/L: Nói năng nên luyện luôn luôn/Nói năng lưu loát luyện luôn lúc này/Lẽ nào nao núng lung lay/Lên lớp lú lẫn lại hay nói lầm.
Bước 4: Luyện phát âm L/N qua hoạt động giao tiếp hàng ngày.
Đây là bước cuối cùng của việc luyện phát âm để chữa lỗi ngọng L/N. Để hoàn thành tốt bước này, người nói ngọng phải đạt được một số kết quả nhất định sau khi luyện các bước trên, tức đã giảm hẳn lỗi phát âm sai L/N, đồng thời phải luôn luôn có ý thức sửa ngọng.
Cách luyện: Khi phát âm các âm tiết có chứa phụ âm đầu L/N, ta nên nói chậm lại. Thực hiện nhiều lần như vậy sẽ tạo thành thói quen, lâu dần sẽ giảm hẳn việc nói ngọng.
Trong quá trình luyện tập, ta phải kiên trì, nhẫn nại thì mới khắc phục triệt để việc nói ngọng L/N.
Thạc sĩ ngôn ngữ học Phan Thế Hoài