Phiên sơ thẩm xét xử hai ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) và Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC) cùng 20 bị cáo trong ngày làm việc thứ hai (chiều 9/1) tiếp tục với phần thẩm vấn.
Buổi làm việc kéo dài hơn bốn giờ đồng hồ (từ 13h30 tới hơn 18h) với phần thẩm vấn của các thẩm phán, VKS và luật sư. Tới cuối giờ, phần hỏi đáp vẫn diễn ra căng thẳng với những vấn đề luật sư truy vấn bị cáo, người liên quan và nguyên đơn dân sự.
Trả lời luật sư, ông Thăng cho hay dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 nằm trong nhiều dự án về điện (điện khí, than, gió) tại chiến lược phát triển của PVN và là dự án cấp bách nên cần thực hiện.
Lần thứ hai trong ngày, ông Thăng thừa nhận đã có lúc "quá quyết liệt, nôn nóng" khi ép tiến độ. Theo ông, do cấp dưới không đủ điều kiện, thời gian thực hiện mới dẫn đến vi phạm quy trình, thủ tục.
Ông Thăng xin "nhận trách nhiệm của người đứng đầu" và mong HĐXX xem xét bối cảnh của dự án trong tổng thể của sự chỉ đạo quyết liệt, hành lang pháp lý lúc đó chưa hoàn thiện nên khó tránh khỏi vi phạm.
Ông Thăng cho rằng không có bất cứ chỉ đạo cụ thể nào về việc tạm ứng tiền, chuyển tiền cũng như không tham gia vào việc ký hợp đồng với PVC. "Các anh em tham gia dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vì sự chỉ đạo quyết liệt của bị cáo mà liên luỵ. Bị cáo xin nhận trách nhiệm cho những anh em đó", ông trình bày và nói bản thân rất day dứt, trăn trở dù không tư lợi cá nhân.
Tuy nhiên, tại phần thẩm vấn chiều nay, việc tính thiệt hại với các nguyên đơn dân sự là PVN, PVC đã được một số luật sư nêu ý kiến nghi ngờ.
Ông Phan Trung Hoài (luật sư bảo vệ ông Đinh La Thăng) hỏi cựu phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn: "Ông có được Cơ quan an ninh điều tra cho xem kết luận giám định thiệt hại tài chính? Theo ông đánh giá thế nào về kết luận giám định tài chính?".
Ông Sơn nói chỉ được tiếp cận với kết luận giám định thiệt hại trong thời gian ngắn 1-2 tiếng và "không hài lòng lắm". Bởi thứ nhất, theo ông Sơn, kết luận này đưa ra việc lấy lãi suất trần tính làm thiệt hại trong phần sử dụng vốn là chưa thỏa đáng, chưa thuyết phục. Ông Sơn cho rằng khi xác định thiệt hại của việc sử dụng tiền sai mục đích ở dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 cần phải làm rõ "PVN có mất mát gì không?".
Ông Sơn đánh giá chuyện thiệt hại đã bị "phóng đại" lên. Nếu PVC làm sai thì cách khắc phục thiệt hại chính là thu hồi lại tiền.
Ông Trịnh Xuân Thanh cũng cho rằng dù đối trừ đi thì PVC vẫn làm lợi cho nhà nước 5-6 tỷ đồng.
Các luật sư khác cuối buổi chiều cũng tập trung truy vấn giám định viên tài chính về kết quả giám định thiệt hại. Đôi lúc, giữa các luật sư với giám định viên đã xảy ra tranh luận gay gắt khiến HĐXX phải nhắc "đây chưa phải phần tranh luận".
HĐXX gồm 5 người với hai thẩm phán. |
Luật sư Phan Trung Hoài khi hỏi cựu tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận chiều nay đã dẫn lại một số nội dung bị cáo này trả lời chiều 8 và sáng 9/1 và dẫn lại lời khai của ông Thuận ở giai đoạn điều tra về việc năm 2010 PVC vẫn làm ăn tốt, có lãi dù dòng tiền có mất cân đối. Năm 2010, doanh thu của PVC là hơn 4.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế hơn 400 tỷ.
Luật sư Hoài hỏi ông Thuận: "Không đánh giá về năng lực, xét ở góc độ tài chính, ông có cho rằng PVC đủ khả năng nhận thầu không?". Ông Thuận khai năng lực tài chính của PVC vẫn đủ điều kiện để chỉ định thầu.
Ngay sau đó luật sư Nguyễn Huy Thiệp truy vấn đại diện PVN về tiến trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 cho đến thời điểm này như thế nào? Một trong năm đại diện của PVN tại tòa cho rằng câu hỏi của luật sư Thiệp rất hay, tuy nhiên rất tiếc bản tiến độ lại không cầm ở đây.
Luật sư Thiệp hỏi tiếp: "Tiến độ đạt đến đâu rồi? Có thực hiện tiếp không?'. Vị đại diện của PVN nói nhiều số liệu chưa rõ nhưng nhiều hạng mục đã thực hiện được tới 90%. Tuy nhiên vị này bảo "chỉ dám nói thế, chưa dám trả lời nhiều".
Luật sư Thiệp hỏi tiếp: "Nhà thầu thực hiện đến ngày hôm nay là nhà thầu nào? Tổng thầu?". Vị đại diện nói nhà thầu thì nhiều, còn tổng thầu thì lúc đầu giao cho PVC, sau đó là liên doanh các nhà thầu. "Về cụ thể chúng tôi sẽ thông tin chi tiết hơn", đại diện PVN hứa.
Lúc này, luật sư Thiệp nói: "Về nguyên tắc các tài liệu hồ sơ phải thẩm tra ở phiên tòa, chứ chúng tôi biết PVC vẫn là tổng thầu và điều đó sẽ chứng minh thế nào khi cơ quan công tố quy kết rằng PVC không có đủ năng lực làm tổng thầu".
Ông Thiệp còn cho hay các tổ máy số 1 ở Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 cuối năm nay sẽ đưa vào vận hành. "Với kết quả triển khai như vậy có thể kết luận được PVC không đủ năng lực để làm tổng thầu hay không?
Trước sự truy vấn của luật sư, người đại diện PVN hứa ghi chép câu hỏi rồi sẽ trả lời ngắn gọn nhất.
Ngày 2/7/2010, PVN phê duyệt Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVPower (thuộc PVN) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư sau thuế hơn 31.505 tỷ đồng, tương đương gần 1,7 tỷ USD. Ngày 28/2/2011, ông Vũ Huy Quang (Tổng giám đốc PVPower) và Vũ Đức Thuận (Tổng giám đốc PVC) ký Hợp đồng số 33/PVPOWER-PVC/2011/EPC (viết tắt Hợp đồng EPC số 33) về việc thiết kế, chế tạo, kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói và vận chuyển, giao hàng... Ngày 13/5/2011, PVN, PVPower và PVC đã ký Hợp đồng số 4194/HĐ-DKVN chuyển đổi chủ thể Hợp đồng EPC số 33. Theo đó chuyển chủ đầu tư dự án từ PVPower sang PVN. Theo cơ quan điều tra, đến ngày 11/10/2011, PVC mới chính thức là Nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện Hợp đồng tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư, nhưng từ ngày 28/4/2011 đến ngày 12/7/2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng. Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, các bị can Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt và Trương Quốc Dũng đã sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án. Đến ngày 22/11/2017, nhà chức trách mới thu hồi được gần 1.100 tỷ đồng, thiệt hại hơn 119 tỷ đồng. |