Góp ý kiến về đề xuất đánh thuế với mặt hàng nước ngọt mới đây, các Bộ, ngành, hiệp hội và chuyên gia một lần nữa bày tỏ quan điểm chưa đồng thuận.
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý việc sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế, Bộ Công Thương cho rằng, lý do cơ quan tài chính đưa ra bổ sung nước ngọt vào danh sách hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt "do mặt hàng này chứa đường, ảnh hưởng tới sức khoẻ là chưa thuyết phục".
Ngoài ra, những sản phẩm Bộ Tài chính liệt kê được coi là nước ngọt, như trà, cà phê không đường... là nước ngọt và đưa vào diện đánh thuế lại "không thống nhất với lý do Bộ đưa ra". Cơ quan này đề nghị Bộ Tài chính cần có giải trình rõ hơn sự cần thiết đưa nước ngọt vào danh mục hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng như lý do cần thiết để hạn chế mặt hàng này.
Nhiều ý kiến trái chiều về việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt. |
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng tỏ ý không đồng tình. Bộ này cho rằng, chưa có nghiên cứu nào về việc lạm dụng đồ uống có đường (trà, cà phê uống liền) dẫn tới thừa cân, béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường ở Việt Nam, nhất là ở trẻ em. Trong bối cảnh khuyến khích ngành công nghiệp chế biến nông sản, Bộ Nông nghiệp đề nghị ngoài xác định rõ khái nhiệm "đồ uống có đường" để đưa ra đối tượng đánh thuế phù hợp, không nên đưa trà, cà phê uống liền vào danh mục chịu thuế suất này.
Còn Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đối với ngành công nghiệp đồ uống, thu ngân sách Nhà nước và các yếu tố khác như lao động, việc làm, cung ứng nguyên liệu nhất là nguyên liệu chè, cà phê, mía đường...
Trong công văn gửi Bộ Tài chính, Hiệp hội Chè Việt Nam nêu quan điểm, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên các sản phẩm trà uống liền được đóng gói trên các dây chuyền sản xuất công nghiệp là "đi ngược lại với tiêu chí phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng".
"Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt có thể lợi cho ngân sách trong ngắn hạn nhưng về dài hạn lại làm giảm tính cạnh tranh cho sản phẩm chè, tác động trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp, gián tiếp giảm đóng thuế thu nhập doanh nghiệp", Hiệp hội Chè đánh giá. Do đó, hiệp hội này kiến nghị không đưa các sản phẩm trà uống liền vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhằm khuyến khích người trồng chè, doanh nghiệp ngành chè phát triển.
Cũng góp ý vào việc bổ sung nước ngọt vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long không đồng tình. Ông cho rằng, nếu buộc những sản phẩm như trà, cà phê uống liền... vào diện chịu thuế sẽ triệt tiêu việc nâng cao chất lượng của doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp đầu tư công nghệ dây chuyền đóng gói, sản xuất các sản phẩm cà phê đều phải bỏ ra chi phí rất lớn. Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên các sản phẩm này sẽ không khuyến khích họ đầu tư vào chế biến sâu, sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng. Khi thị phần sản phẩm giá trị gia tăng gặp khó thì chẳng khác nào làm thu hẹp đầu ra của nông dân", ông Long nói.
Trái với lập luận của Bộ Tài chính việc thu thuế sẽ góp phần tăng thu ngân sách, ông Long dẫn chứng việc thu thuế nước ngọt tại Anh từ đầu năm 2018 sẽ khiến quốc gia này mất đi 5.624 việc làm, tương đương với hơn 90 triệu bảng tiền lương; làm giảm ngân sách nước này khoảng 17 triệu Bảng.
Ông cũng góp ý, phương án đánh thuế 10% dựa trên tỷ lệ phần trăm giá bán của sản phẩm cũng chưa thuyết phục, không tạo động lực cho các nhà sản xuất giảm lượng đường trong sản phẩm. Ông Long phân tích, với phương án đánh thuế hiện tại, một lít nước giải khát A có 16g đường và một lít nước giải khát B có 4g đường có giá bán như nhau (ví dụ 20.000 đồng) sẽ chịu cùng một mức thuế tiêu thụ đặc biệt giống nhau (2.000 đồng). Trong khi đó, người tiêu dùng sẽ hấp thụ nhiều năng lượng hơn gấp 4 lần từ nước giải khát A so với khi uống loại nước giải khát B.
Vì lẽ đó, vị chuyên gia này đề xuất, nếu áp thuế thì phương án tính thuế nên dựa vào lượng đường trong sản phẩm và trên nguyên tắc sản phẩm có lượng đường càng nhiều sẽ bị áp thuế cao.
Trước những góp ý chưa đồng thuận của các Bộ, ngành đối với đánh thuế lên sản phẩm nước ngọt, Bộ Tài chính dẫn lại báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, việc lạm dụng các đồ uống có đường sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ. Cũng theo tổ chức này, hiện nay có khoảng 40 nước đang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt. T
"Tại Thư của Tổ chức Y tế Thế giới gửi Bộ Tài chính ngày 08/09/2017 về khuyến nghị đánh thuế nước ngọt, Tổ chức Y tế thế giới đã đồng tình và đánh giá cao đề xuất áp dụng thuế đặc biệt với nước ngọt để tăng giá các loại nước giải khát này và khuyến nghị Việt Nam nên tăng thuế sao cho có thể đạt được sự tăng giá bán ở mức 20%", giải trình của Bộ Tài chính nêu.
Cơ quan này cũng cho hay, hiện 3 nước ASEAN cũng xem xét áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt là Myanmar (dự kiến thu thuế 5%), Philippines (dự kiến thu 10 peso mỗi lít), Indonesia (dự kiến thu 3.000 rupiah một lít). Còn tại châu Âu, mỗi lít nước ngọt ở Pháp bị áp thuế tuyệt đối 0,72 euro, ở Phần Lan thu 0,075 euro, Hungary là 0,04 euro một chai hoặc một lon nước...