Cơ quan khí tượng cho hay, đêm 24/12, bão Tembin đã đi qua quần đảo Trường Sa và khu vực Huyền Trân (Bà Rịa - Vũng Tàu) với gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; ở trạm DKI/19 quan trắc được gió mạnh cấp 13, giật cấp 15.
Đại tá Lê Hồng Quang phát biểu tại giao ban sáng 25/12. Ảnh: Võ Hải. |
Đạt cường độ mạnh nhất khi quét qua các vị trí nêu trên, sáng 25/12, bão Tembin tiếp tục di chuyển theo hướng Tây và có xu thế suy yếu.
Sáng nay, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, Đại tá Lê Hồng Quang (Văn phòng Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) nói, thống kê ban đầu cho thấy bão Tembin không gây ra thiệt hại lớn nào khi đi qua quần đảo Trường Sa.
"5h sáng nay, Chỉ huy trưởng Trường Sa báo cáo là người, vũ khí, trang bị tàu thuyền an toàn, kể cả số tàu của người dân neo đậu tránh trú bão ở các đảo cũng an toàn, chỉ có thiệt hại một số cây cối nhỏ, chúng tôi đang tổng hợp", Đại tá Quang thông tin.
Cũng theo ông Quang, lực lượng chức năng đã thành lập 4 sở chỉ huy tại các địa bàn dự báo chịu ảnh hưởng của bão. Cụ thể, quân khu 7 thành lập 2 sở chỉ huy ở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và huyện Cần Giờ (TP HCM); Quân khu 9 thiết lập 2 sở chỉ huy ở Sư đoàn bộ binh 8 (Tiền Giang) và trường quân sự của quân khu ở Sóc Trăng.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn ngắn (Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương) cho biết, bão Tembin có xu thế suy yếu nhanh và hướng đi không thay đổi so với các bản tin trước đó, nghĩa là đi theo hướng Tây với tốc độ 25 km/giờ; đêm nay sẽ đổ bộ vào đất liền.
"Bốn tỉnh ảnh hưởng trực tiếp là Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau với cấp 9, 10 giật cấp 12, 13", ông Năng nói.
Bão Tembin đã đi qua khu vực quần đảo Trường Sa và nhà giàn với cường độ rất mạnh. Ảnh chiến sỹ nhà giàn cung cấp. |
Theo cơ quan khí tượng, từ trưa 25/12, vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 13.
Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió cấp 7-8, giật cấp 10. Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ và các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có khả năng nước biển dâng do bão khoảng 0,5 mét, sóng biển cao 4-6 mét.
Từ sáng 25/12, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc bão số 16 kết hợp với không khí lạnh, vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4-6 mét.
Tại cuộc giao ban, Phó trưởng ban thường trực ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng đề nghị các lực lượng chỉ đạo, đôn đốc địa phương kiểm soát tàu thuyền đang hoạt động trên biển, yêu cầu thoát ngay ra khỏi vùng nguy hiểm đã được cảnh báo.
"Đối với tàu thuyền hoạt động ven bờ, yêu cầu 100% tàu thuyền phải vào neo đậu và 100% người dân rời khỏi tàu thuyền để lên bờ", ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng cũng đề nghị Ban chỉ đạo quán triệt các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão số 16 tiến hành cấm tàu thuyền hoạt động trên sông.