Hàng tháng, VnExpress đều đưa tin về những quy định nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng mới. Trong đó nhiều quy định được bạn đọc quan tâm gửi ý kiến bình luận về nội dung liên quan. Dưới đây là nội dung nằm trong số những quy định được quan tâm nhiều nhất năm qua.
Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ tháng 1/2017, cho phép chuyển đổi giới tính đối với những người đã định hình, hoàn thiện về giới tính. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan.
Theo luật này, cá nhân cũng có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.
Luật Phí và lệ phí đã có hiệu từ tháng 1/2017 quy định nghiêm cấm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí; thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật.
Trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Đối với các tổ chức thu phí và lệ phí, luật yêu cầu phải niêm yết công khai tại địa điểm thu và công khai trên Trang thông tin điện tử của tổ chức về tên phí, lệ phí, mức thu, phương thức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm và văn bản quy định thu phí, lệ phí.
Theo quy định của Nghị định 46, từ 2017 có thêm 9 hành vi vi phạm giao thông có hiệu lực xử phạt. Ảnh minh họa: Bá Đô |
Theo Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thêm 9 hành vi vi phạm bị xử phạt từ đầu năm 2017.
Cụ thể như: Hành vi không làm thủ tục sang tên xe khi mua, được cho, tặng, thừa kế tài sản là xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự bị phạt 100.000-200.000 đồng; người điều khiển xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ giới hạn của cầu, đường mà tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20% đến 50%... bị phạt 2.000.000-3.000.000 đồng; phạt 600.000-800.000 đồng với người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường...
Theo Nghị định 155 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ 1/2, mức phạt tiền tăng gấp 10 lần với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ và nơi công cộng.
Cụ thể, quy định tăng mức phạt tiền với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng (quy định cũ 200.000-300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng; phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng (quy định cũ 300.000-400.000 đồng) với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị...
Từ khi quy định này có hiệu lực, trên địa bàn cả nước, lực lượng công an phường, cảnh sát môi trường quận đã ra quân và xử lý hàng trăm trường hợp tiểu tiện không đúng nơi quy định.
Nghị định 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 3/3 cho phép việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất sẽ mở rộng thêm 5 trường hợp, gồm: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1/7/2014, đang sử dụng đất ổn định; đất được giao không đúng thẩm quyền nhưng không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch...; diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất; đất xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu sản xuất kinh doanh có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau; trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa sang tên.
Trong gần 10 năm, lương công chức tăng 760.000 đồng. Ảnh. CTV |
Nghị định 47 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở áp dụng từ tháng 7/2017 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được tăng từ 1.210.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương cơ sở sẽ tăng 90.000 đồng/tháng so với trước đó.
Những trường hợp được xếp hưởng mức lương, phụ cấp theo nghị định này bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.
Nghị định 76 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng nêu, từ ngày 1/7, tăng thêm 7,44% trên mức lương hưu , trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2017 đối với: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ cấp xã đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng...
Nghị định 90/2017 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, có hiệu từ từ tháng 9 nêu cụ thể, với hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không có xích, giữ chó hoặc không có người dắt khi đưa chúng đến nơi công cộng, chủ nuôi sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.
Quy định này có hiệu lực, tại TP HCM các Chi Cục thú y đã thành lập các đội bắt chó thả rông không đeo rọ mõm lang thang trên đường.
Còn tại Hà Nội, hiện nay, các lực lượng chức năng chưa xử phạt mới dừng lại ở việc nhắc nhở.
Quyết định số 24 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân có hiệu lực từ tháng 8 nêu rõ: Khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu tăng gấp đôi so với quy định tại Quyết định 69, lên 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Cũng theo quyết định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền điều chỉnh tăng giá điện trong phạm vi từ 3% đến dưới 5%. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát. Như vậy, Tập đoàn này sẽ không cần báo cáo với các bộ quản lý Nhà nước trước khi tăng giá và đợi được "cho phép" như trước.
Thay vì bắt buộc, Bộ Giao thông đã sửa đổi quy định chuyển thành khuyến khích người dân đổi sang bằng lái xe vật liệu PET cho phù hợp với xu thế. Ảnh minh họa: Bá Đô |
Thông tư 12/2017 của Bộ Giao thông Vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ tháng 6 quy định: Việc đổi giấy phép lái xe bằng giấy bìa sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET được khuyến khích thực hiện trước ngày 31/12/2020.
Như vậy, việc bắt buộc buộc đổi bằng lái xe từ bìa giấy sang thẻ nhựa theo lộ trình như thông tư trước đó đã bị bãi bỏ.
Thông tư này cũng quy định, người có giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng: Từ 3 tháng đến dưới một năm, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe; từ một năm trở lên, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe; người có giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, được xét cấp lại giấy phép lái xe.
Trước đó, năm 2015, Bộ Giao thông ra thông tư 58, trong đó có quy bắt buộc buộc đổi bằng lái xe từ bìa giấy sang thẻ nhựa, tuy nhiên quy định này đã gây lo lắng cho người dân và khiến nhiều địa phương bị quá tải trong việc đổi giấy phép lái xe. Trước tình trạng này, Bộ Giao thông đã ban hành Thông tư mới, sửa đổi và bỏ quy định bắt buộc thay vì khuyến khích.