Chưa đầy bốn tháng từ khi khởi tố vụ án (31/8), ngày 19/12 Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với 7 bị can là các cựu lãnh đạo tập đoàn này.
Cơ quan điều tra "đóng hồ sơ", chuyển sang VKS để đề nghị truy tố chỉ sau 11 ngày khởi tố, bắt ông Đinh La Thăng (nguyên bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN). Ông Thăng bị xác định là bị can đầu vụ song là người cuối cùng bị bắt trong 7 can phạm.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng đây là "lần đầu có người bị đề nghị truy tố chỉ sau ít ngày bị khởi tố". Tuy nhiên, luật chỉ quy định thời hạn tối đa của việc điều tra vụ án hình sự mà không quy định thời hạn tối thiểu. Do đó, cơ quan điều tra kết thúc điều tra và đề nghị truy tố trong thời gian ngắn là phù hợp với quy định của pháp luật.
Mặt khác, ông Trạch cho rằng, tính chất vụ án và hành vi của ông Thăng liên quan nhiều người. Tài liệu và chứng cứ đã được cơ quan điều tra thu thập trong quá trình dài. Vì vậy, việc bắt ông Thăng chỉ là áp dụng biện pháp ngăn chặn.
"Ông ấy có thừa nhận hành vi hay không sẽ không ảnh hưởng đến việc đề nghị truy tố. Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ đại án, tôi nghĩ các cơ quan tố tụng sẽ phải rất thận trọng trong từng quyết định", luật sư Trạch nói.
Cùng quan điểm, luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn luật sư Vũng Tàu) cho rằng, việc ra kết luận điều tra ông Thăng với "thời gian thần tốc" là hoàn toàn bình thường. "Điều này sẽ khiến dư luận có cảm giác nóng vội nhưng cần nhớ đây là đại án nên cơ quan điều tra phải rất thận trọng", ông nói.
Luật sư cho rằng, trong quá trình điều tra, trước đó các bị can khác đã có những lời khai liên quan hành vi của ông Thăng. Khi cơ quan điều tra thấy có đủ căn cứ xác định hành vi thì việc bắt ông Thăng và hoàn tất điều tra chỉ là "chuyện sớm muộn".
"Trong giai đoạn tiền tố tụng, cơ quan điều tra có thể đã mời ông Thăng lên làm việc. Sau khi có quyết định khởi tố bị can, những lời khai này sẽ được chuyển hóa từ khai báo bình thường sang tư cách tố tụng mới", luật sư Tám nhận định.
Ông Thăng bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên từ ngày 1/1/2018 khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực (thay thế Bộ luật năm 1999), tội này sẽ không còn. Vậy ông Thăng khi bị xét xử sẽ áp dụng luật nào?
Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP HCM) giải thích, dù tội "cố ý làm trái" không còn nhưng ông Thăng vẫn bị truy tố, xét xử về tội này. Bởi Nghị quyết 41/2017 của Quốc hội hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự 2 nêu rõ: Với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định (Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999), xảy ra trước 0h00' ngày 1/1/2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý.
Trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của tòa án thì không được căn cứ vào việc Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành án về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã chấp hành xong bản án thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0h00' ngày 1/1/2018 để giải quyết.
Nếu sau thời điểm trên, người phạm tội mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Cùng quan điểm khi viện dẫn Nghị quyết 41/2017, luật sư Trạch cho rằng, sau thời điểm 0h ngày 1/1/2018 mà vụ án liên quan ông Thăng đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý.
>>
Theo Điều 119, Điều 166 và Điều 176 Bộ luật Tố tụng hình sự: Thời hạn điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử, thời hạn để giải quyết một vụ án hình sự kể từ khi khởi tố đến khi xét xử (sơ thẩm) là 5 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 6 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, 8 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 10 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp vụ án phức tạp thì ở mỗi giai đoạn, người có thẩm quyền có quyền gia hạn theo luật định. |