Nghị định 116 với yêu cầu từ 2018, xe nhập khẩu cần "Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại" do Tổ chức nước ngoài cấp khiến các hãng kinh doanh ôtô nhập khẩu ở Việt Nam điêu đứng, vì lý do ở nước ngoài không cấp loại giấy này. Trước nguy cơ không thể nhập xe, các hãng cho rằng còn một cửa cuối cùng, tuy không mấy khả quan, là nhập khẩu mẫu xe dành cho thị trường nội địa ở nước xuất khẩu.
Các hãng liệu có lách được qua khe cửa Nghị định 116 để nhập ôtô? |
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng ban Kế hoạch chiến lược của Toyota Việt Nam cho biết, đây là cách duy nhất.
"Nước ngoài không cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho xe xuất khẩu, nhưng có giấy tương tự cho xe tiêu thụ nội địa", ông lý giải. Như vậy nếu nhập khẩu về Việt Nam loại xe này, thì giấy tờ đó có giá trị tương đương.
Chuyên gia này phân tích, về lý thuyết là vậy nhưng thực tế dường như bất khả thi với các hãng vì xe tiêu thụ nội địa và xe xuất khẩu khác nhau rất nhiều.
Về cơ bản, cùng xuất xứ ví dụ BMW sản xuất ở Đức, nhưng chiếc 530i cho thị trường này sẽ khác hẳn chiếc 530i dành để xuất khẩu sang Việt Nam, từ thông số kỹ thuật, chất liệu các chi tiết cấu thành cho tới tiêu chuẩn.
Xe ở các nước châu Âu thường chú trọng điều hòa ấm hơn trong khi về Việt Nam lại cần điều hòa lạnh hơn. Các loại dung dịch như nước mát, nước rửa kính, dầu... phải có chất chống đông khi nhiệt độ có thể xuống âm, nhưng Việt Nam thì không cần. Các chức năng như làm tan băng, khởi động xe trời lạnh... cũng không phù hợp với nước nhiệt đới.
Ngoài ra, khác nhau về tiêu chuẩn khí thải cũng là điểm đáng chú ý. Xe ở châu Âu tiêu chuẩn Euro 6, trong khi Việt Nam là Euro 4. Vật liệu trong động cơ Euro 6 cao cấp hơn động cơ Euro 4, độ nhạy cảm về chất lượng nhiên liệu cũng tăng lên.
"Nếu sử dụng xăng như ở Việt Nam, e rằng xe theo Euro 6 sẽ báo lỗi động cơ vì tiêu chuẩn nhiên liệu không phù hợp", một quản lý của Mercedes nhận định.
Những khác biệt về cấu hình không chỉ ảnh hưởng tới kỹ thuật mà còn độn giá xe lên cao. Khi đó, khách hàng nếu vẫn muốn mua xe nhập khẩu sẽ phải chấp nhận mức giá không tưởng, trong khi nguy cơ xe bị lỗi là khá cao do khác biệt về điều kiện sử dụng. Kinh doanh kiểu này, có thể không ra lợi nhuận.
Xe cho thị trường châu Âu có nhiều yếu tố kỹ thuật khác xe cho Việt Nam. |
Lo ngại của các chuyên gia đã có câu trả lời nhiều năm trước, khi phong trào mua xe nhập nguyên chiếc, không chính hãng từ Mỹ, châu Âu thịnh hành. Những mẫu xe về Việt Nam dễ bị hỏng hệ thống treo, lốp... vì không hợp khí hậu. Thực tế, xe dành cho xuất khẩu sẽ được hãng "nhiệt đới hóa" các chi tiết quan trọng.
Nếu xe nhập ở châu Âu gặp khó về sự khác biệt khí hậu thì xe nhập châu Á có thể tương đồng hơn, nhưng điểm sai khác lớn nhất là tay lái nghịch. Các nước châu Á mà Việt Nam đang nhập xe như Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia đều sử dụng tay lái nghịch, không thể đăng kiểm ở Việt Nam. Hàn Quốc sử dụng tay lái thuận nhưng cũng khác biệt về thời tiết.
Ngay cả khi hãng chấp nhận nhập loại xe dành cho nội địa ở nước ngoài về Việt Nam thì khâu đăng kiểm cũng không đơn giản. Cơ quan chức năng phải kiểm tra hết tất cả các chi tiết trên xe có đúng với khai báo hay không. Công việc này làm mất nhiều thời gian và chi phí.
Khe cửa mà các hãng kinh doanh xe nhập khẩu có thể sử dụng lại đầy khó khăn, thậm chí bất khả thi. Nghị định 116 bít lối xe nhập, tạo cơ hội cho xe lắp ráp trong nước.
Trước khi kết thúc 2017, một số hãng kịp về những lô hàng cuối cùng để phục vụ thị trường vào đầu năm sau, nhưng số lượng không nhiều vì phụ thuộc kế hoạch đặt hàng từ trước đó cả nửa năm. Nửa đầu 2018 được nhận định sẽ chứng kiến nhiều xáo trộn khi các hãng tìm cách vặn mình theo chính sách.