Dù đạt được kỷ lục về lượng khách quốc tế, Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn thẳng thắn thừa nhận những tồn tại của du lịch trong năm qua. Trong đó, 4 điểm nghẽn được chỉ ra gồm visa, quảng bá xúc tiến, quản lý điểm đến và hàng không.
Trong đó, quản lý điểm đến đặt ra nhiều vấn đề như an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, "chặt chém", giao thông, thái độ ứng xử... vốn là những nỗi sợ từng được Phó Thủ tướng chỉ ra trước đây.
6 nỗi sợ với du khách
Nhận định các nỗi sợ với du khách đã được cải thiện nhiều hơn trước nhưng ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, cho rằng vẫn chưa triệt để, khi còn nhiều vụ việc liên quan xảy ra liên tiếp. Điều này thể hiện qua việc các website của một số quốc gia: Mỹ, Canada, Pháp, Thụy Sĩ, Australia… đều có những khuyến cáo công dân của họ khi đến Việt Nam du lịch cần lưu ý về các vấn nạn này.
Nhiều khách quốc tế sốc với giao thông ở Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thành. |
Theo ông Kỳ, nhiều địa phương cung cấp số hotline giải quyết sự cố xảy ra khi khách đến địa phương du lịch thì không thể liên hệ ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ, lễ, trong khi các sự cố thường xảy ra trong thời gian này. Quy trình xử lý các sự cố chưa được các địa phương chú trọng. Khi phát sinh sự cố (như ngộ độc thực phẩm) thì hầu hết rất lúng túng trong khâu phối hợp giải quyết.
"Phải nói rằng đây là vấn đề thường xuyên xảy ra, dù giải quyết thế nào cũng không thể triệt để được, nhưng chúng ta sẽ hạn chế đến mức thấp nhất. Chúng ta phải làm liên tục, chứ không thể làm theo chiến dịch. Trong vấn đề này tự thân ngành du lịch không giải quyết được. Vai trò của chính quyền địa phương, của giao thông, ngành công an là quyết định và cần sự chung tay của cả xã hội", Tổng cục trưởng chia sẻ.
Các điểm nghẽn cần giải quyết
Visa là một trong những vấn đề được lãnh đạo du lịch và các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong mục tiêu nâng tổng số khách quốc tế. Dù Việt Nam đã thực hiện miễn visa cho công dân 23 nước, số lượng này vẫn còn hạn chế so với nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia... Thời gian miễn 15 ngày cũng ít hơn nhiều nước láng giềng và không thuận lợi với khách bay đường xa. Hơn nữa thời gian áp dụng miễn visa từng năm làm khó các doanh nghiệp trong việc lên chiến lược quảng bá dài hạn.
Ít về nguồn lực và cách làm chưa có nhiều đột phá là những hạn chế được Tổng cục trưởng chỉ ra trong hoạt động quảng bá xúc tiến. Ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc HanoiRedtours, cho rằng chi phí khoảng 40 tỷ một năm cho hoạt động này chưa tương xứng với mong muốn và doanh thu của ngành du lịch. "Hoạt động này chưa đi vào chiều sâu, còn manh mún khi số tiền cho xúc tiến rải đều chứ không tập trung", ông Hoan phân tích.
Về hàng không, ông Tuấn cho biết phải tiếp tục tăng cường kết nối các đường bay quốc tế. Các vấn đề lâu dài khác cần được giải quyết như chất lượng nguồn nhân lực, kiểm soát chất lượng dịch vụ. "Trong năm cũng có nhiều vấn đề như tour giá rẻ, sự thao túng của các công ty lữ hành, chất lượng hướng dẫn viên. Do đó, quản lý hoạt động chuyên ngành phải được chỉ đạo quyết liệt và có hiệu quả hơn".
Nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ra lo lắng trước tình trạng thiếu hướng dẫn viên ở một số ngôn ngữ khi lượng khách tăng đến 30%. Một trong 8 giải pháp để thu hút khách trong thời gian tới được Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), đề xuất là phát triển đội ngũ hướng dẫn viên.
Giao thông Sài Gòn điên rồ trong mắt khách Tây. Video: Phong Vinh
Để nâng cao chất lượng khách, tức tăng thời gian lưu trú và chi tiêu, ông Hoan cho rằng cần xây dựng các sản phẩm tour, dịch vụ đa dạng, hấp dẫn hơn và phù hợp với từng nhóm khách; hình thành các trung tâm mua sắm uy tín.
"Sản phẩm du lịch Việt Nam hiện nay còn đơn điệu không hấp dẫn tạo tâm lý chán nản cho du khách quốc tế khi hành trình tour giống nhau qua mỗi năm. Các dự án đầu tư vào du lịch vẫn theo hướng dàn trải, không chú trọng đầu tư theo chiều sâu và thiếu kế hoạch tổng thể làm cho dự án trở nên rời rạc... dẫn đến khi khai thác, sản phẩm tương đồng, thiếu điểm nhấn", ông Kỳ nói thêm.