Ốm nghén, tâm trạng thất thường, nám mặt, ợ nóng, đau lưng, mệt mỏi,... là những vấn đề hầu hết các mẹ bầu đều gặp phải. Và "thủ phạm" đứng sau những thay đổi này của mẹ bầu chính là hàng loạt các loại hormone thai kỳ. Mỗi loại hormone có một vai trò khác nhau nhưng đều đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bé đồng thời có ảnh hưởng lên cơ thể mẹ.
1. Progesterone
Progesterone là hormone sinh dục nữ chủ yếu tiết ra ở buồng trứng sau mỗi lần trứng rụng hàng tháng. Nó giữ vai trò quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt và duy trì thai kỳ. Trong 3 tháng đầu mang thai , cơ thể người mẹ sẽ tiết ra nhiều progesterone để đảm bảo sự hình thành và phát triển bước đầu của thai nhi, nhau thai diễn ra suôn sẻ.
Tuy nhiên, progesterone cũng là một loại hormone "khó chịu" khi gây ra những tình trạng táo bón, đầy bụng, ợ nóng ở mẹ bầu.
HCG là nguyên nhân chính khiến mẹ bầu bị ốm nghén. (Ảnh minh họa)
2. HCG
HCG là chữ viết tắt của Human Chorionic Gonadotropin – đây là một loại hormone thai kỳ được tiết ra bởi nhau thai và phát hiện bằng cách xét nghiệm máu. HCG cũng được xem là tín hiệu của thai kỳ.
Khoảng 1 tháng sau khi thụ thai, nhau thai tiết ra lượng lớn hCG dẫn đến axit dạ dày giảm đáng kể, hoạt động của enzyme tiêu hóa cũng sẽ giảm, từ đó gây ra tình trạng chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn hay còn được gọi là ốm nghén.
Thông thường, sau tuần thứ 12 của thai kỳ, hầu hết các mẹ bầu sẽ không còn cảm thấy buồn nôn nữa.
3. Estrogen
Sau khi mang thai, estrogen sẽ được tiết ra liên tục cho đến cuối thai kỳ. Theo ước tính, lượng estrogen cơ thể mẹ bầu tiết ra thường cao hơn 1000 lần bình thường. Cơ thể tiết nhiều estrogen như vậy chủ yếu là để thúc đẩy sự phát triển của tử cung, giúp tử cung nở ra theo sự lớn lên của bé.
Thủ phạm khiến mẹ bầu "nắng mưa thất thường" chính là estrogen. (Ảnh minh họa)
Nhưng bên cạnh lợi ích to lớn, estrogen cũng gây nên không ít khó chịu cho mẹ bầu. Thứ nhất là hiện tượng chảy máu chân răng hay chảy máu mũi. Thứ hai là hormone này khiến các dây chằng bị nới lỏng, dẫn đến đau lưng, sưng mắt cá chân. Cuối thai kỳ, estrogen cũng ảnh hưởng đến sắc tố da, khiến mẹ bầu bị thâm da, nám da. Ngoài ra, sự bất ổn định cảm xúc của các bà mẹ mang thai cũng là do estrogen.
4. Relaxin
Khoảng 10 tuần sau khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ tiết ra hormone relaxin. Trong thời kỳ đầu, relaxin đóng vai trò thúc đẩy sự hình thành mạch máu mới, cung cấp môi trường thích hợp cho sự cấy phôi thai vào thành tử cung. Bước sang 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, relaxin sẽ khiến dây chằng vùng chậu nới lỏng để thích ứng với sự phát triển của bé cũng như chuẩn bị cho quá trình sinh.
Dây chằng vùng chậu nới lỏng sẽ giúp bé có đủ không gian phát triển. (Ảnh minh họa)
Nhưng đôi khi, sự hoạt động quá mạnh mẽ của relaxin có thể khiến mẹ bầu bị đau lưng, đau vùng chậu.
5. Oxytocin
Cơ thể sẽ tiết ra hormone này khi cổ tử cung bắt đầu co giãn hoặc đầu nhũ hoa bị kích thích. Hormone này sẽ giúp quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh hơn cũng như kích thích tuyến vú sản sinh sữa.
6. Prolactin
Prolactin là một loại hormone khác được tiết ra khi mang thai và nó có liên quan mật thiết đến vấn đề tạo nguồn sữa cho bé.
Prolactin được tiết ra từ tuyến yên và tăng tiết khi mang thai. Tuy nhiên, do sự kìm hãm của estrogen nên khi còn trong thai kỳ, ngực mẹ sẽ không tiết hoặc tiết ra ít sữa. Sau khi sinh, estrogen giảm cùng với sự kích thích của bé, các tế bào tuyến sữa sẽ bắt đầu tiết sữa để nuôi bé.
Prolactin giúp kích thích tuyến vú tiết sữa. (Ảnh minh họa)
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia. |