Thôn Tre, xã Trà Thọ (huyện Tây Trà) cách trung tâm xã hơn một giờ đi xe máy. Nằm chênh vênh bên mạn núi cao vút, con đường vào làng vừa rách bươm sình lầy vừa dốc ngược. Nhưng sự cách biệt xa xôi không đủ làm lá chắn giữ lại bình yên cho ngôi làng ấy. Trong những ngôi nhà tái định cư, nhiều người chưa kịp hoàn hồn khi tiền đền bù dự án thủy lợi Hồ Nước Trong vừa nhận đã "bốc hơi" theo sương núi.
Người dân ở khu tái định cư thôn Tre sau khi nhường đất cho Hồ Nước Trong. Ảnh: Phạm Linh. |
Vừa nhận tiền đã 'bốc hơi'
Gia đình ông Đinh Văn Trăm sống trong căn nhà tái định cư cấp bốn, thay cho nhà sàn ở làng cũ cách đó mấy giờ đi bộ. Tháng 11, mưa rừng phủ kín núi, không thể lên rẫy, cả nhà co cụm trong không gian chật hẹp. Người đàn ông 60 tuổi vừa nhận 770 triệu đồng đền bù từ dự án Hồ Nước Trong. Nhưng công việc của ông vẫn như cũ, quẩn quanh một chỏm lúa rẫy để lấy gạo ăn và vài hecta rừng để trồng cây. Thu nhập ít ỏi, không đủ chi tiêu, khoản tiền đền bù cao ngất như một ánh sáng hy vọng cho gia đình ông. Nhưng sau niềm vui ngắn ngủi, ông ngỡ ngàng chua xót khi vừa nhận về thì người lạ đã đến nhà đòi nợ 200 triệu đồng.
Gia đình ông Trăm có sáu người con, ông dự tính chia tiền đền bù cho các con lập nghiệp. "Chỉ riêng thằng con út đã có vợ nhưng không chí thú làm ăn, chỉ thích ăn chơi hưởng thụ", ông đằng hắng. Khuôn mặt ông nhăn nhúm khi nói về con trai: "Tôi không biết con tôi vay ở đâu. Nó đâu mang gì về nhà. Cha mẹ đi làm rẫy gù cả lưng mà con chỉ phá".
"Bức xúc quá, cái dân cho vay nặng lãi chi mà ác", ông bồi thêm rồi dứt khoát: "Giờ tôi không cho thêm nó gì nữa".
Đem cuốn sổ tiết kiệm ra khoe, ông thở dài: "Chỉ còn 200 triệu gửi ngân hàng cho vợ chồng dưỡng già. Chỉ mong thằng út đừng đi bốc nóng bốc nguội đâu để họ đừng đến xiết nợ".
Năm 2008, dự án Hồ Nước Trong, hồ chứa nước thủy lợi lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi được triển khai. Bảng niêm yết bồi thường được công bố vô tình "vẽ đường" để đầu nậu cho vay nặng lãi đến đây trục lợi. Không chỉ con trai ông Trăm bị "tròng" một đống nợ vào người, nhiều thanh niên khác trong làng cũng không cưỡng lại sức cám dỗ khi có người đến gạ cho vay dễ dàng.
Ông Trăm với cuốn sổ tiết kiệm để dành sau khi nhận đền bù. Ảnh: Phạm Linh. |
Gần nhà ông Trăm, anh Đinh Văn Khánh (30 tuổi) vừa bị chủ nợ xiết xe máy. Ngồi bó gối trước hiên nhà, anh Khánh ấp úng: "Họ biết mình trong vùng dự án, có tiền đền bù nên bảo cứ vay, lãi suất 50%, đến khi nhận tiền thì trả". Giao ước bằng miệng, anh Khánh không nhớ đã vay bao nhiêu tiền, chỉ nhớ lần vay ít nhất là 7 triệu, nhiều nhất là 50 triệu đồng. "Mình thấy vay dễ quá thì cứ vay thôi. Đến khi họ nói nợ tới 400 triệu mình té ngửa", ông Khánh hồn nhiên.
Nhận tiền đền bù, cha mẹ anh chỉ cho 40 triệu đồng. Anh dùng hết số tiền để trả nợ, tài sản duy nhất còn lại là 2 hecta rừng, anh rao bán với giá 100 triệu nhưng không ai mua.
"Giờ cứ vài ngày chủ nợ lại đến đòi khiến mình vừa sống vừa run", anh Khánh ôm đứa con trai ngơ ngác, nói.
Trắng tay ở nơi tái định cư
Tây Trà là huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Quảng Ngãi, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số với tỷ lệ hộ nghèo trên 75%. Những tưởng tiền đền bù sẽ giúp họ tái thiết cuộc sống ở nơi ở mới, nhưng lại vô tình trở thành chiếc thòng lọng đưa họ vào bi kịch.
Ông Hồ Tấn Vũ - Chủ tịch UBND xã Trà Thọ cho biết, riêng xã có 158 hộ nhận đền bù hồ thủy lợi, tổng 3 đợt là 39 tỷ đồng. Trong đó có 19 tỷ đồng đầu tư khu tái định cư, 20 tỷ đồng được trao cho người dân.
Ông Vũ cho biết, khoảng 80% người dân nhận tiền đền bù đã vay tín dụng đen lãi suất 50%. Nhiều người trả nợ xong lâm vào cảnh tay trắng. Phần lớn trường hợp vay nặng lãi là lớp trẻ. "Họ vay để mua xe máy, điện thoại xịn và đổ vào những cuộc chơi bời quán xá. Cha mẹ không hề hay biết", ông Vũ nói.
Trường hợp ông Trăm, anh Khánh là những hộ nhận tiền đền bù mới nhất, khi địa phương phải nhờ công an "hộ tống". "Trong hai đợt đền bù trước, người dân vừa nhận đền bù thì đã bị chủ nợ giành giật trên đường về", ông Vũ kể.
Nhưng không chỉ có những thanh niên chơi bời cần "bốc nóng" khi túng quẫn. Ở thôn Tre, ông Hồ Văn Tập khi được niêm yết bồi thường đã "mạnh dạn" vay nóng lãi suất 50% để đầu tư lập nghiệp tại nơi tái định cư.
Ông phân trần: "Nhà nước cấp đất nhưng làm chưa quen nên không ra tiền. Mình phải bỏ thêm 30 triệu mua 2 hecta rẫy, mua thêm heo bò về nuôi. Rồi lại cho tiền con xây nhà sàn, sắm xe cho nó. Nhà mới chật nên phải xây thêm phòng phía sau mới đủ ở".
Không có tiền chi tiêu, từ bao gạo, chai mắm trong nhà đến tiền cúng giỗ ông Tập đều phải vay nóng. Kết quả, tháng 9 vừa qua, ông nhận 600 triệu tiền đền bù nhưng giờ không còn đồng nào trong tủ.
Đã quen với cuộc sống nghèo khó, bất ngờ có khoản tiền lớn trong tay khiến người dân chưa biết cách làm chủ. Chủ tịch xã cho rằng, đây là những giao dịch dân sự nên chính quyền địa phương khó xử lý. Những lần tuyên truyền vận động "nâng cao nhận thức" không ngăn họ khỏi sức cám dỗ của tín dụng đen. Những cuộc đền bù với sự "hộ tống" của hàng chục công an chỉ ngăn chặn cảnh lộn xộn trước mắt. Khi chủ nợ đến nhà, những người đã lỡ vay phải dâng tiền "cống nạp".
Thiếu úy Đinh Duy Phương - Đội An ninh, Công an huyện Tây Trà cho biết, người dân nhận khoản tiền rất lớn, tuy nhiên chỗ ở, cách quản lý tiền không đảm bảo. "Vì thế chúng tôi tăng cường vận động người dân gửi tiền tiết kiệm cho an toàn", thiếu úy Phương nói.
Ông Hoàng Như Lâm - Phó chủ tịch huyện Tây Trà cho biết, xã chưa có báo cáo cụ thể, tuy nhiên theo thông tin sơ bộ thì đây là những giao dịch giữa người dân với nhau, lãi suất chưa rõ ràng. "Chúng tôi đang yêu cầu lực lượng công an điều tra", ông Lâm cho hay.
Ông Tập chuẩn bị keo giống để trồng rừng. Ảnh: Phạm Linh. |
Theo ông Nguyễn Văn Quang - Phó giám đốc Ban quản lý dự án Hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa nước Nước Trong - dự án được triển khai trên hai huyện Tây Trà và Sơn Hà với 450 hộ dân phải di dời.
Nhà nước đã chi trả toàn bộ tiền đền bù cho người dân trong ba đợt, tổng số là 342 tỷ đồng. Đợt gần nhất vào tháng 9 vừa qua, số tiền 58 tỷ đồng.
Nhiều năm qua, nạn tín dụng đen không chỉ hoành hành ở xã Trà Thọ mà len lỏi ở nhiều địa phương vùng dự án. Gần đây nhất, hàng trăm người dân xã Trà Xinh, huyện Tây Trà cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Trong khoảnh sân trước nhà, ông Hồ Văn Tập đang chuẩn bị cây keo giống. Nợ trả xong, tiền cũng hết, trên lưng ông chỉ còn chiếc gùi đi rẫy, đó là nguồn sống mới của gia đình.
"Nhưng đường vào làng khó đi nên chắc họ mua keo giá thấp lắm", nỗi lo toan chợt hiện lên trước mắt người đàn ông lớn tuổi.
Nhiều thanh niên cũng trắng tay như ông, nhưng khác một điều, họ không còn mặn mà với rừng, không muốn mang gùi vào rẫy nữa...
Phạm Linh