AFF Suzuki Cup 2018 Tin tức, lịch thi đấu, BXH được cập nhật liên tục hàng ngày

logo
quang cao
Thể Thao

Tây lang thang ở Sài Gòn

Quên đường về

Người dân khu vực đường Nguyễn Chích, quận Tân Phú, hồi giữa tháng 11 chứng kiến cụ ông người nước ngoài ăn uống, sinh hoạt trên vỉa hè. Ông lão không có điện thoại, tiền bạc, chỉ có mấy túi quần áo rách rưới. Người qua đường thương tình nên cho thức ăn, nước uống.

Khi cơ quan chức năng tiếp cận, cụ ông trưng hộ chiếu mang tên Peter (82 tuổi, quốc tịch Úc) nhưng không trả lời được các câu hỏi, lúc nhớ lúc quên. Không có cơ sở lưu giữ riêng, lực lượng chức năng phải để ông ở lại vỉa hè, chờ Lãnh sự quán Úc làm thủ tục đưa về nước.

Hay trước đó, nam du khách Canada trong tình trạng khỏa thân, múa, le hét "quậy tưng" khu phố Tây, quận 1. Khi công an đưa về trụ sở, một ngày sau anh ta mới tỉnh, thừa nhận sử dụng ma túy nên bị ảo giác và đã hết thời hạn ở Việt Nam.

tay-lang-thang-osai-gon

Ông Peter sống lang thang trên vỉa hè nhiều ngày. Ảnh: cơ quan chức năng cung cấp.

Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn, Đội trưởng Quản lý cư trú và xuất nhập cảnh Phòng quản lý xuất nhập cảnh (PA72) Công an TP HCM, cho biết đó là hai điển hình trong số hàng chục người nước ngoài bệnh tâm thần, lang thang ở TP HCM mỗi năm.

"Không phải chức năng của đơn vị nhưng chúng tôi phối hợp chăm sóc, đưa vào bệnh viện điều trị cho họ tỉnh lại. Chúng tôi làm việc này mang tính chất nhân đạo là chính", ông Tuấn nói.

Do chưa có văn bản quy định cơ quan nào giúp đỡ họ ngay từ đầu, không dùng ngân sách giải quyết, nên cán bộ phải bỏ tiền ra trả viện phí. "Cũng may đa số điều trị một thời gian đều tỉnh lại, liên lạc với người nhà để thanh toán viện phí, nếu không chắc chúng tôi phải nghỉ việc, chứ chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng", ông Tuấn cho hay.

Tây ăn xin

Tình trạng người nước ngoài ăn xin cũng thường xuyên xảy ra ở khu vực trung tâm Sài Gòn. Gần đây, người đàn ông cao to, trong trang phục quần jeans, áo thun xin tiền trên nhiều tuyến đường ở quận 1, 2. Trên tấm bảng giơ trước ngực, ông ta nói bị cướp mất hết hộ chiếu, điện thoại... cần giúp tiền để ra Đại sứ quán Phần Lan ở Hà Nội.

Ông này được nhiều người ủng hộ, cho tiền nhưng khi cơ quan chức năng tiếp cận để giúp đỡ thì lảng tránh.

Hay hồi tháng 3, Benjamin Holst (quốc tịch Đức) - được gọi là "ăn xin xuyên quốc gia" - xuất hiện ở TP HCM lần thứ hai. Suốt nhiều năm, Holst đi xin tiền khắp các đường phố ở Việt Nam, Thái Lan, Hong Kong, Philippines, Campuchia, Indonesia... Trang Facebook của Holst tràn ngập các bức ảnh anh ta khám phá các nơi.

Thượng tá Phạm Ngọc Tiến - Trưởng Phòng PA72 Công an TP HCM - cho đây là những trường hợp cá biệt, mang tính cơ hội. Khi lực lượng chức năng phát hiện sẽ kiểm tra mục đích nhập cảnh của họ và nhắc nhở. Nếu họ lặp lại, đơn vị sẽ yêu cầu xuất cảnh.

"Một số người đi du lịch cạn tiền, cố tình quá hạn lưu trú để bị trục xuất. Thành phố phải bỏ tiền mua vé máy bay cho họ về nước - điều này gây áp lực cho ngành chức năng và ngân sách", ông nói.

tay-lang-thang-osai-gon-1

Gã "ăn xin xuyên quốc gia" Benjamin Holst trên đường Hoàng Sa, gần cầu Công Lý (quận 3, TP HCM). Ảnh: Facebook.

Hàng nghìn người gốc Phi cư trú bất hợp pháp

Công an TP HCM nhiều năm nay gặp khó trong xử lý hàng nghìn trường hợp người dân ở các nước châu Phi (chủ yếu từ Nigieria, Ghana…) quá hạn cư trú. Hiện, họ tập trung ở Gò Vấp, quận 12 hay các khu vực vùng ven khác.

Thượng tá Phạm Ngọc Tiến cho biết, sở dĩ có tình trạng này do người dân từ các nước châu Phi gặp khó khăn, đi khắp nơi và tìm cách lưu trú bất hợp pháp để tìm việc làm.

"Năm nay số lượng người gốc Phi nhập cảnh ít hơn năm trước, nhưng tỷ lệ vi phạm lại cao. Cứ 10 người thì có đến 7-8 trường hợp quá hạn cư trú, hoặc tham gia lừa đảo, cờ bạc", ông Tiến nói.

Đầu năm đến nay Phòng PA72 liên tục kiểm tra các tụ điểm, xử phạt 1.200 trường hợp vi phạm, trục xuất 66 người, đưa 2 người lang thang vào trung tâm bảo trợ xã hội.

Trước khi trục xuất, việc xác minh lý lịch những người này cũng rất khó khăn, có khi mất nhiều tháng do họ không chịu khai báo, hoặc khai báo tên giả, quốc tịch giả. Họ đều không có tiền, buộc tổ chức bảo lãnh nhập cảnh phải bỏ tiền mua vé máy bay cho họ về nước, nhưng có khi phải chi ngân sách. Năm nay, TP HCM đã bỏ ra 500 triệu đồng cho riêng chi phí này.

"Về lâu dài, để hạn chế các trường hợp vi phạm cư trú, đơn vị đề xuất khi những người từng bị trục xuất muốn nhập cảnh trở lại phải đặt cọc tiền. Đây cũng là biện pháp mà nhiều nước đã áp dụng", ông Tiến nói.

Ngoài ra, PA72 cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền gỡ các vướng mắc liên quan đến người nước ngoài tâm thần, không xác định được nhân thân; cần quy định cụ thể cơ quan nào và nguồn kinh phí ở đâu để giải quyết, chữa bệnh cho họ.

Trước đó, cuối năm 2015 lực lượng Công an TP HCM mở cuộc truy quét quy mô lớn vào khu vực chung cư Khang Gia (quận Gò Vấp), nơi có đông người châu Phi cư trú. Qua kiểm tra, công an tạm giữ 21 người không xuất trình được giấy tờ tùy thân. Họ là những người đến Việt Nam du lịch nhưng không quay về nước, thậm chí có người sống chui ở Sài Gòn 8-9 năm.

Tuyết Nguyễn

Xem thêm>>

Xem thêm>>