Người dân dùng xe bò, thuyền chở xe máy.
Ngày 19-20/11, hoàn lưu bão Kigori cùng không khí lạnh đã gây mưa rất to cho miền núi Quảng Nam, lượng mưa dao động 100-170 mm, có nơi gần 200 mm. Nước về hồ thủy điện lớn khiến hồ Sông Tranh 2 xả gần 300 m3/s; Sông Bung 4 xả hơn 260 m3/s và A Vương xả 31 m3/s.
Huyện Nông Sơn nằm ven sông Thu Bồn, nước lũ dâng cao khiến nhiều đoạn đường ngập khoảng 1,5 m. Bốn xã vùng trũng thấp của huyện là Phước Ninh, Quế Lâm, Quế Phước và Quế Ninh bị chia cắt.
Đường đi các xã Đại Hưng, Đại Lãnh, huyện Đại Lộc ngập sâu nửa mét, người dân dùng xe bò chở xe máy vượt lũ. Ảnh: Đắc Thành. |
Tại huyện Đại Lộc, nước từ thượng nguồn đổ về khiến lũ sông Vu Gia và Thu Bồn trên báo động 2, một số vùng xung yếu ngập cục bộ. Tuyến đường đi từ trung tâm huyện qua các xã như Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Sơn bị chia cắt.
Nước lũ gây ngập khoảng nửa mét, giao thông bị ách tắc. Người dân dùng xe bò, thuyền chở qua đoạn ngập nước. "Đầu tháng nước lũ gây ngập nửa nhà, tài sản bị hư hại. Mới khắc phục hơn một tuần, giờ lũ lại, bà con rất khó khăn", ông Nguyễn Văn Trung, người dân xã Đại Lãnh, nói.
Huyện miền núi Bắc Trà My đã di dời hơn 500 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Trong đó, xã Trà Bui 200 hộ, Trà Đông 108 hộ.
"Rút kinh nghiệm từ đợt mưa lũ vừa qua, chính quyền kiên quyết đưa dân ra khỏi vùng sạt lở trước khi có mưa lớn xuất hiện", ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Phó ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết.
Nhà người dân ven sông Vu Gia, huyện Đại Lộc nước sắp tràn vào. Ảnh: Đắc Thành. |
Trước đó từ ngày 3 đến 8/11, không khí lạnh kết hợp hoàn lưu bão Damrey gây mưa to, lũ lớn, sạt lở đất ở Quảng Nam. Toàn tỉnh có 36 người chết, một người mất tích và 34 người bị thương, hầu hết do bị sạt lở núi gây ra. Cơ sở hạ tầng, cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng.