Trong phiên thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chiều 21/11, nội dung mở rộng phạm vi điều chỉnh của đạo luật này sang khu vực ngoài nhà nước được nhiều đại biểu quan tâm.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự Luật áp dụng bắt buộc một số chế định về minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm soát tài sản, thu nhập đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư... Đây là những đơn vị ngoài nhà nước mà Luật hiện hành không điều chỉnh.
Đại biểu Nguyễn Chiến - Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, cho rằng công cuộc phòng, chống tham nhũng như "xây một cái lò", do vậy qua việc sửa đổi Luật lần này phải gia cố lò để giữ nhiệt, nhưng không nên dàn trải, pha loãng.
Ông Chiến nói, chủ thể có khả năng tham nhũng, trục lợi từ tài sản nhà nước phải là những người có chức vụ, quyền hạn, vì vậy dự Luật nên tập trung vào chủ thể đặc biệt này, chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Chiến - Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam. Ảnh: QH |
"Một lò than đốt cùng lúc các loại củi khác nhau, cả củi khô, củi ướt thì nó không tăng nhiệt mà còn có thể bị tắt", ông Chiến nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Thuỷ - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, có ý kiến ngược lại với ông Chiến. Nữ đại biểu này nói, qua thực tế điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lớn cho thấy tham nhũng không dừng lại quan niệm truyền thống ở khu vực công mà là tệ nạn chung.
"Việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước là hết sức cần thiết", bà Thuỷ nói và cho biết Bộ luật Hình sự năm 2015 đã hình sự hóa 4 hành vi tham nhũng gồm Tội tham ô tài sản, Tội nhận hối lộ, Tội đưa hối lộ và Tội môi giới hối lộ đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội ngoài nhà nước.
Ngoài ra, theo bà Thuỷ, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng quy định, trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ tiến hành các biện pháp để phòng ngừa tham nhũng liên quan đến khu vực tư.
Về các trường hợp có nghĩa vụ kê khai tài sản, bà Lê Thị Thuỷ cho rằng Ban soạn thảo dự Luật nên tiếp cận thận trọng.
"Nếu mở rộng diện kê khai thì thực tế hiện các trường hợp phải kê khai hàng năm đã quá đông. Còn thu hẹp lại thì không phù hợp với chủ trương tiến tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản", bà Thuỷ nói.
Theo lãnh đạo cơ quan kiểm tra, vấn đề quan trọng cần đặt ra là dự Luật được bổ sung điều khoản tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; đảm bảo việc kê khai tài sản được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, khách quan, tự giác, đi vào thực chất để theo dõi biến động tài sản, góp phần phòng ngừa tham nhũng và phục vụ công tác cán bộ.
Dự thảo Luật này sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét tại kỳ họp khai mạc vào tháng 5/2018.