Sớm 19/11, sau khi đi vào khu vực biển Ninh Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu, bão số 14 Kirogi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Chiều và tối nay nhiều khả năng nó sẽ đổ bộ các tỉnh từ Bình Thuận trở vào Bến Tre, sau đó sang nam Campuchia và tan dần.
Tây Nguyên và Nam Bộ ngày và đêm nay chịu ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới nên có mưa vừa, mưa to và gió giật mạnh. Từ ngày mai, khi vùng áp thấp tan đi, các khu vực này mưa sẽ giảm dần, trời nắng trở lại.
Ở phía Bắc, khối không khí lạnh tiếp tục tăng cường mạnh, gây mưa sáng nay. Nhiệt độ vùng đồng bằng Bắc Bộ giảm dưới 20 độ, vùng núi 16-18 độ C. Đỉnh núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) rét 9,5 độ, Đồng Văn (Hà Giang) 14 độ. Tại Hà Nội, hầu hết trạm đo ghi nhận 19 độ C.
Trong 2-3 ngày tới, không khí lạnh tiếp tục tăng cường, nền nhiệt miền Bắc sẽ giảm thêm 1-2 độ nữa, thấp nhất ở Hà Nội và vùng đồng bằng còn 16-17 độ. Các tỉnh vùng núi nền nhiệt xuống dưới 15 độ, cao nhất ngày chỉ 21-23 độ C.
Do cường độ mạnh, không khí lạnh đã tràn tới Thừa Thiên Huế, ngày và đêm nay tiếp tục tràn đến các tỉnh khác của miền Trung. Từ Thanh Hóa trở vào Hà Tĩnh hôm nay nhiệt độ cao nhất ngày xuống dưới 24 độ, các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế dưới 26 độ C.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường liên tục từ nay đến hết ngày 26/11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi liên tục mưa to.
Ông Trần Quang Hoài tại cuộc họp sáng 19/11. Ảnh: Phạm Dự. |
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai sáng 19/11, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho hay, những ngày này cùng lúc xuất hiện ba tình huống thời tiết xấu gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống. Một là áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, hai là mưa cùng gió mùa, ba là rét đậm ở miền núi.
Ông Hoài nhấn mạnh "cần cảnh giác cao độ với các tình huống thời tiết xấu này". Các tỉnh từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận phải luôn có kế hoạch di chuyển kịp thời khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ. "Theo dự báo, có nơi mưa từ 100 đến 200 mm trong thời gian ngắn. Bởi vậy cần chú ý trong việc giữ nước và xả lũ để vừa đảm bảo an toàn, vừa đủ nước cho mùa vụ", ông Hoài nói.
Cơ quan khí tượng dự báo, trong mùa Đông Xuân năm 2017-2018, rét có xu hướng xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Nhiều khả năng trong tháng 1-2/2018 sẽ xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài (7-10 ngày). Đông Xuân năm 2015-2016, Việt Nam đã trải qua 24 đợt không khí lạnh. Mạnh nhất là ngày 21/1 gây ra nhiệt độ thấp kỷ lục trong 40 năm qua. Mưa tuyết, băng giá diện rộng xuất hiện ở vùng núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. |