Sáng 22/11, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, đề nghị ban soạn thảo rà soát một số nội dung để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin trong phòng, chống tham nhũng và công khai trong hoạt động tố tụng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: Quochoi. |
Theo bà Nga, đảm bảo cân đối giữa bảo vệ lợi ích nhà nước với quyền tiếp cận thông tin là việc khó nhưng phải làm một cách rõ ràng, để khắc phục những hạn chế qua tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, có tình trạng lạm dụng bí mật nhà nước, đóng dấu mật vào những văn bản không mật và danh mục mật chậm rà soát sửa đổi; có danh mục mật từ năm 2000 -2004 vẫn dùng, trong khi hệ thống quy định liên quan đến minh bạch đã sửa đổi nhiều.
"Có cơ quan đóng dấu mật cả danh sách vụ trưởng hiện hành, hoặc đóng dấu mật vào chất vấn của đại biểu Quốc hội dù trong đó không có thông tin mật, làm cho đại biểu không thể trả lời cử tri thông tin mình chất vấn", bà Nga nêu.
Cho rằng quy định về thông tin mật không rõ ràng làm ảnh hưởng đến phòng, chống tham nhũng, bà Nga nói tình trạng này "thậm chí đẩy một số người dân, một số hoạt động nghề nghiệp dễ bị rơi vào quy chụp".
"Chúng tôi theo dõi các vụ án thấy một số cá nhân rơi vào vòng lao lý trong những trường hợp văn bản luật không rõ ràng, ví dụ với báo chí, thậm chí trong một số trường hợp cán bộ liên quan bị quy làm lộ bí mật", lãnh đạo Uỷ ban Tư pháp dẫn chứng.
Ngoài ra, bà Nga cho hay có những phiên họp truyền hình trực tiếp của Uỷ ban đã gặp lúng túng, khi mà cơ quan này nhận được năm văn bản đóng dấu mật của các bên liên quan, đề nghị đại biểu cân nhắc khi thảo luận để tránh bị lộ. Trường hợp này, Uỷ ban kiểm tra theo Pháp lệnh hiện hành thì thấy đa số nội dung đề nghị mật thực tế không còn mật.
Lo ngại việc 63 tỉnh, thành có 63 danh mục bí mật
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ nêu vấn đề "quy định giải mật trong dự luật chưa rõ ràng", có những bí mật nhà nước đương nhiên được giải mật bởi sự kiện pháp lý. Ông Bộ dẫn chứng, vừa rồi kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ, kế hoạch lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi dự các điểm cầu truyền hình là bí mật, nhưng khi người dẫn chương trình giới thiệu thì đương nhiên sự kiện pháp lý đã được giải mật, do vậy quy định bảo mật 10-20 năm không cần thiết.
Tuy nhiên, theo đại biểu Bộ, cũng có bí mật Nhà nước cần giữ vĩnh viễn, ví như Sở chỉ huy Bộ quốc phòng chỉ rất ít người được biết, nó là công trình tuyệt mật, nếu Bộ Quốc phòng vẫn ở đường Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) thì không thể nói 30 năm sau đó giải mật.
Đại biểu Cao Thị Xuân thì lo ngại việc dự thảo Luật quy định tới 63 danh mục bí mật Nhà nước của 63 tỉnh, thành. Theo bà Xuân, quy định như vậy dễ dẫn đến lạm dụng để bưng bít, che giấu thông tin gây bất lợi cho doanh nghiệp, người dân.
"Về cơ bản các tỉnh, thành đều có chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy chính quyền như nhau, và đều phải căn cứ phạm vi phân loại bí mật Nhà nước để lập danh mục. Vì vậy, chỉ cần một danh mục mật tổng hợp chung cho 63 tỉnh, thành là hợp lý", đại biểu Xuân nói.
Võ Hải