Các nhà nghiên cứu tại khoa Dược Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đang tiến hành nghiên cứu bài thuốc hỗ trợ cai nghiện thuốc lá từ các vị thuốc Nam rẻ tiền như gừng, bạc hà, cam thảo.
Mới đây, Hội đồng thông qua đề cương cấp cơ sở Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã triển khai thông qua đề cương "Nghiên cứu đánh giá tác dụng của viên ngậm CTL kết hợp tư vấn trong điều trị cai nghiện thuốc lá".
Thành phần 1 viên ngậm chứa hoạt chất tương đương 1g Bạc hà, 0,5g Cam thảo và 1,2g Gừng tươi. Liều dùng 8 viên/ngày trong 7 ngày cho bệnh nhân nghiện thuốc lá ngậm hàng ngày.
Nhóm nghiên cứu bao gồm: TS. Dương Trọng Nghĩa, BS.CKII. Trương Thị Xuân Hòa và KS. Nguyễn Tường Linh cùng các cộng sự.
Trong năm 2016, nhóm nghiên cứu đã xây dựng phác đồ nghiên cứu cai nghiện thuốc lá trên cỡ mẫu cho 50 bệnh nhân bước đầu đã đạt được hiệu quả rất khả quan: đạt loại tốt + khá: 45,45%. Vì vậy, năm (2017- 2018) Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã phát huy dựa trên nền tảng có sẵn, mở rộng cỡ mẫu nghiên cứu lên tới180 bệnh nhân để tiếp tục phát triển, nghiên cứu chuyên sâu hơn trong việc sử dụng hiệu quả thuốc Y học cổ truyền để hỗ trợ, tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá.
180 bệnh nhân tham gia nghiên cứu này được chẩn đoán nghiện thuốc lá theo tiêu chuẩn chấn đoán DSM-IV và có ý chí quyết tâm cai nghiện thuốc lá từ > 7 điểm Q-Mat. Cận lâm sàng: bệnh nhân được đo nồng độ CO trong hơi thở. Số liệu nghiên cứu được xử lý bằng phần mềm thống kê sinh học SPSS 23.0.
Theo BS Nguyễn Tường Linh, bước đầu nghiên cứu cho thấy viên ngậm CTL có tác dụng tốt khi kết hợp với tư vấn trong hỗ trợ điều trị cai nghiện thuốc lá. Giúp cải thiện các triệu chứng: thèm thuốc, lo lắng, căng thẳng, cáu gắt, chán nản, giảm tập trung, mất ngủ, ho, ngứa họng đồng thời cải thiện triệu chứng đau đầu theo thang điểm VAS. Ngoài ra, bài thuốc còn cải thiện về biểu hiện nghiện thuốc lá và làm giảm hàm lượng CO máu của bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu.
"Bài thuốc an toàn cho bệnh nhân nhóm nghiên cứu trong thời gian điều trị. Thuốc được bào chế dưới dạng viên ngậm tiện dụng cho sử dụng vì vậy bệnh nhân có thể mang theo bên người bất cứ lúc nào để hạn chế cơn thèm thuốc lá", BS Linh cho biết.
Trong năm 2017 này, nhóm nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm độc tính cấp và bán trường diễn của bài thuốc trên chuột. Đồng thời nghiên cứu đánh giá tác dụng viên ngậm CTL trên lâm sàng, cải thiện chỉ số sinh học, thói quen hút thuốc sau khi cai nghiện thuốc lá. Nhóm cũng sẽ khảo sát tác dụng không mong muốn của viên ngậm CTL.
PGS. TS Vũ Nam, GĐ bệnh viện, chủ trì hội đồng thông qua đề cương đánh giá: đề tài này hứa hẹn sẽ giúp cho hàng nghìn, hàng triệu bệnh nhân không chỉ trong và ngoài nước cai nghiện thành công thuốc lá. Đồng thời là nền tảng để Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương tiếp tục có những đề tài nghiên cứu mới trong điều trị và cai nghiện thuốc lá bằng Y học cổ truyền.
D.Minh