Do ảnh hưởng mưa lớn, Thuỷ điện Hoà Bình đã phải mở 8 cửa xả đáy. Ảnh: Giang Huy.
|
Sáng 11/10, Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai đã họp khẩn để ứng phó với mưa lũ do hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh gây nên, đồng thời nghe báo cáo tình hình xả lũ tại hồ thủy điện Hòa Bình.
Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Nguyễn Đức Quang thông tin, 7h sáng, thủy điện Hòa Bình phải mở 7 cửa xả đáy. Nhà máy này báo cáo có thể phải mở thêm một cửa xả đáy do lưu lượng nước về hồ dự báo lên đến 12.000 m3/s. Đến 11h trưa, Hòa Bình mở thêm một cửa xả, nâng tổng số lên 8.
"Đây là đợt xả lũ lớn nhất trong 10 năm qua. Việc xả lũ lại diễn ra ban đêm, cấp tập, nên có thể ảnh hưởng đến vùng hạ du", ông Quang nhận định.
Phó chánh văn phòng Quang đề nghị trường hợp mưa lũ bất thường, Trung tâm dự báo khí tượng cần đưa ra các dự báo chính xác và dày hơn để ứng phó. Bên cạnh đó, ngoài việc gửi thông tin qua mail, fax, cần gọi điện thông báo, thậm chí cử người mang công văn tới Văn phòng ban chỉ đạo.
Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống lụt bão Nguyễn Đức Quang. Ảnh: Võ Hải.
|
Đang làm việc với Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, các bên liên quan đang tính toán có thể mở thêm cửa xả. "Thủy điện Hòa Bình có 12 cửa xả đáy, 6 cửa xả mặt", ông Hoài nói và cho biết năm 2007 Hòa Bình từng phải mở 6 cửa xả đáy.
Chủ tịch Hội đập lớn Phạm Hồng Giang cho rằng, việc mở cửa xả của thủy điện Hòa Bình được thực hiện theo quy trình thiết kế để không gây ảnh hưởng đến an toàn đập khi mực nước dâng cao. Tuy nhiên, trước khi xả lũ phải có thông báo trước để người dân phòng tránh. Việc chỉ trong mấy tiếng cùng mở 8 cửa xả có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động ven sông vùng hạ du.
Cũng theo ông Giang, thủy điện Hoà Bình xả lũ không gây ảnh hưởng lớn đến thủ đô. "Hệ thống đê của Hà Nội được thiết kế trên 15 m. Mực nước hiện nay chỉ hơn 10 m nên sẽ không gây ảnh hưởng", ông Giang nói.
Thuỷ điện Hoà Bình đã phải mở 3 cửa xả đáy vào tháng 7. Ảnh: Giang Huy.
|
Đại diện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cho hay, đêm 10/10 nhiều khu vực tiếp tục có mưa lớn như Hoà Bình, Sơn La, Thanh Hóa với lượng mưa khoảng 200 mm. Trong ngày hôm nay mưa lớn còn tiếp diễn tại các tỉnh trên và giảm dần vào đêm 11/10.
Hiện Trung tâm theo dõi diễn biến một áp thấp mới hình thành trên biển, có thể đi vào biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong những ngày tới. Thông số dự báo đến thời điểm này, áp thấp có thể mạnh lên thành bão với cường độ rất mạnh.
Về lưu lượng nước đổ về hồ Hòa Bình, đại diện Trung tâm khí tượng cho biết, hiện lưu lượng khoảng 10.000 m2/s, trong sáu giờ tới lưu lượng có thể lên đến 12.000 m3/s.
Lãnh đạo Tập đoàn điện lưc Việt Nam (EVN) thông tin, để đảm bảo an toàn cho thuỷ điện Hoà Bình, tập đoàn đã có lệnh ngừng phát điện của 3 nhà máy thuỷ điện Sơn La, Lai Châu, Bản Chát. EVN sẽ điều phối các nguồn điện bổ sung, khắc phục việc thiếu điện tạm thời do ngừng cấp điện từ các nhà máy trên.
Cũng theo đại diện EVN, chưa năm nào cùng lúc nhiều hồ xả lũ như năm nay. Trong cơn bão số 10 cùng lúc là 52 hồ xả lũ; từ hôm qua đến sáng nay, đã có 40 hồ xả lũ.
Để đảm bảo an toàn vùng hạ du khi thuỷ điện Hoà Bình xả lũ, Ban chỉ đạo đề nghị các tỉnh, thành hạ du thuỷ điện Hoà Bình thông báo đến người dân, tổ chức hoạt động trên sông, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản biết thông tin; đồng thời rà soát các phương án chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là đê điều.
Trước đó, đợt mưa lũ kéo dài hơn một tháng khiến mực nước thượng nguồn lên cao, thuỷ điện Hoà Bình phải mở ba cửa xả hồi cuối tháng 7. Việc này dù không tác động tới các điểm xung yếu của hệ thống đê điều, nhưng làm 170 tấn cá lồng bè của dân chết, thiệt hại hơn 30 tỷ đồng.
6 công nhân nhà máy thuỷ điện Nậm Đông được cứu
Theo đại diện EVN, do lũ quét đêm 10/10, 6 công nhân nhà máy thuỷ điện Nậm Đông (Trạm Tấu, Yên Bái) đã phải leo lên mái nhà trú ẩn.
Nhờ sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, lúc 7h30 sáng nay, cả 6 công nhân đã được cứu và đưa đến nơi tránh trú an toàn.
Về thiệt hại do áp thấp gây ra, tính đến đến 6h ngày 11/10, đã có 6 người chết (Thanh Hóa 1 người; Nghệ An 5 người), 3 người mất tích (Hòa Bình 1 người; Nghệ An 1 người; Quảng Trị 1 người) và 2 người bị thương (Hòa Bình 1 người; Thanh Hóa 1 người).
Đến sáng 11/10, đập Ông Già tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá) bị tràn qua đỉnh 10 cm, hiện nước đã rút về ngưỡng tràn tự do. Tại Nghệ An, đập Trại Gà (xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc) bị mưa lớn tràn qua thân đập và đã mở rộng tràn 5m để xả lũ, đảm bảo an toàn; đập hồ chứa Cố Châu tại xã Gia Hanh, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh bị vỡ với với chiều dài 28 m, sâu từ 3m¸3,5m, khối lượng ước tính khoảng 810 m3.
|
Võ Hải