Theo một số người dân và doanh nghiệp, tình trạng kẹt xe nghiêm trọng tại khu vực trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa và cải tạo Quốc lộ 1 (Đồng Nai) từ đầu tháng 10 đến nay đã gây ảnh hưởng lớn về đời sống và công việc kinh doanh của họ.
Có thương lái chuyên chở nông sản từ Đà Lạt về bán tại Biên Hòa hàng ngày cho biết nếu tình trạng kẹt xe tại trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa không được giải quyết thì họ buộc phải thay đổi lộ trình.
Cụ thể, thay vì đi Quốc lộ 20 đến ngã tư Dầu Giây rẽ phải về thẳng Biên Hòa thì tiếp tục đi thẳng ra đường cao tốc TP HCM - Dầu Giây về Long Thành rồi mới vòng lại lên Biên Hòa. Dự kiến hướng đi này khiến chủ xe phải trả thêm hàng triệu đồng mua mua vé cao tốc và phí xăng dầu. Nhưng bù lại giúp nông sản đảm bảo chất lượng, không bị hư hỏng như phải nằm chờ tại trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa, trễ hẹn giao hàng với đối tác.
Tình trạng kẹt xe diễn ra trong nhiều ngày qua tại trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa. |
Trong những ngày qua diễn ra tình trạng khi đến gần trạm thu phí, một số tài xế cho xe đi chậm, dàn hàng ngang, thậm chí có người còn dừng xe chắn ngang các làn thu phí rồi tắt máy khiến dòng xe hai chiều kẹt cứng, xe phía sau không thể đi qua. Cùng với đó, nhiều tài xế đứng gần khu vực cabin trạm thu phí phản đối khiến giao thông thêm ùn tắc nghiêm trọng.
Điều này gây ra hệ quả là hàng nghìn phương tiện như xe chở khách, xe chở hàng hóa, xe chữa cháy, xe cứu thương, xe chở công nhân các Khu công nghiệp trên địa bàn, học sinh đi học… không thể lưu thông. Nhiều người buộc phải xuống xe đi bộ hàng cây số để đến nơi làm việc hoặc tốn thêm phí bắt xe khác.
Khi sự việc xảy ra, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, UBND tỉnh Đồng Nai cùng các cơ quan chức năng, chủ đầu tư đã xả trạm để đảm bảo giao thông. Hiện nay UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Trảng Bom phối hợp với nhà đầu tư xác định vùng ảnh hưởng xung quanh trạm. Trên cơ sở báo cáo của UBND huyện, Sở GTVT phối hợp với các sở ngành nghiên cứu, tham mưu và ra dự thảo văn bản trình Bộ GTVT. Kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/10.
Các cơ quan chức năng tham gia điều tiết giao thông. |
UBND huyện Trảng Bom cũng đã có báo cáo gửi các bên về việc chốt danh sách phương tiện của các chủ phương tiện cư trú trên địa bàn 4 xã trong huyện gần trạm thu giá để giảm phí. Cụ thể gồm xã Trung Hòa (177 ôtô), Tây Hòa (146 ôtô), Đông Hòa (51 ôtô) và Hưng Thịnh (24 ôtô). Tổng cộng, có 317 chủ phương tiện với 398 xe ôtô của người dân 4 xã qua trạm được đề xuất miễn phí 100%.
Bộ GTVT cũng vừa có văn bản chấp thuận giảm 20% giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với tất cả loại vé qua trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa trên Quốc lộ 1 qua huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Mức giảm sẽ áp dụng cho tất cả loại vé lượt, tháng và quý từ ngày 1/11.
Dự kiến, trong ngày thứ hai (9/10), chủ đầu tư dự án là Công ty Đồng Thuận sẽ làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai trước khi có quyết định về việc khi nào thu phí trở lại cũng như lộ trình giảm phí.
Tại cuộc giao ban an ninh tư tưởng - văn hóa quý III của tỉnh Đồng Nai vào chiều 6/10, ông Trần Văn Tư - Phó Bí thư thường trực tỉnh Đồng Nai đề nghị các sở, ngành, địa phương khi có tình hình diễn biến xảy ra phải xử lý ngay để tránh bất ổn. Đặc biệt, cần xem xét, xử lý nghiêm hành vi gây rối, khích động gây mất an ninh trật tự công cộng tại trạm thu phí BOT Biên Hòa.
Phú Thịnh