Sáng 14/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Theo ông, Việt Nam chỉ 3 tỉnh không có rừng, 60 tỉnh kể cả TP HCM và Hà Nội đều có. Vì vậy, cần đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác này, nhìn rõ những yếu kém, từ đó đưa ra giải pháp thiết thực, khả thi để bảo vệ và phát triển rừng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Gỗ chứ không phải cây kim mà chính quyền bảo không biết có phá rừng. Ảnh: Vinh An |
Cùng với việc nhấn mạnh sự cần thiết của việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong bảo vệ và phát triển rừng, không có vùng cấm trong xử lý các vi phạm, Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện tốt bài toán kinh tế để người dân thoát nghèo, phát triển bền vững nhờ rừng.
"Sơn Trà là lá phổi của Đà Nẵng"
"Thế giới bảo vệ rừng ghê lắm, phố trong rừng, rừng trong phố, còn chúng ta nhiều nơi phá nham nhở", Thủ tướng nói và khẳng định, rừng sẽ thành sức mạnh kinh tế nếu biết tổ chức quản lý tốt.
Theo ông, một số vùng ven biển hiện cần thiết phát triển du lịch nhưng chuyển mục đích sử dụng rừng "phải được xem xét chặt chẽ và duyệt kỹ", tuyệt đối tránh trường hợp "có dự án du lịch, sân golf là phá hết rừng đã trồng bao đời nay".
Lấy ví dụ bán đảo Sơn Trà là lá phổi của Đà Nẵng, Thủ tướng nêu rõ nếu để xảy ra phá rừng là không thể chấp nhận được, do vậy các cơ quan chức năng phải thanh tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh các công trình thuỷ điện lớn đã làm hết, hiện chỉ còn thuỷ điện nhỏ mặc dù hiệu quả thấp nhưng phá rừng rất nhiều, đây là vấn đề các bộ ngành, địa phương cần có giải pháp kiên quyết, đặc biệt là dừng hoạt động dự án thuỷ điện nhỏ không thực hiện trồng rừng thay thế, nhất là các dự án ở Tây nguyên.
Trong số các định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ việc tiếp tục thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên; phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể trong việc bảo vệ rừng và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
"Chúng ta có hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, có cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng, rồi quyết tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban rất lớn, nhưng nhiều địa phương vẫn diễn ra tình trạng phá rừng. Sự việc xảy ra trên địa bàn, cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết", ông nói.
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ đã quán triệt cho các đơn vị dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, không để cán bộ, chiến sỹ chặt gỗ, củi trong rừng về làm chất đốt.
Các đơn vị quân đội cũng tổ chức tuần tra nghiêm khu vực biên giới, phối hợp với địa phương trong việc bảo vệ rừng dọc tuyến biên giới để không bị chặt phá; sẵn sàng tham gia trong việc truy bắt lâm tặc, ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.
Từ năm 2010 đến cuối 9/2017, xã Tiên Lãnh (Tiên Phước, Quảng Nam) có 124 hécta rừng tự nhiên bị phá lấy đất trồng keo. Ảnh: Đắc Thành. |
Hơn 1.600 vụ phá rừng trong 9 tháng
Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên thời gian qua đã có tác động tích cực tăng giá nguyên liệu gỗ rừng trồng, người trồng rừng có thu nhập tăng, kích thích sử dụng đất trống, đồi trọc để trồng rừng, góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng; tạo động lực cho đầu tư, phát triển rừng trồng để thay thế gỗ rừng tự nhiên.
Tuy nhiên, hiện nay một số doanh nghiệp, địa phương vẫn đề nghị được phép khai thác gỗ rừng tự nhiên và cho rằng, việc không cho phép khai thác gỗ rừng tự nhiên tăng áp lực cho công tác bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, tình hình vi phạm đối với rừng tự nhiên còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên và một số địa phương khu vực miền Trung...
Trong 9 tháng, cả nước phát hiện 1.697 vụ phá rừng trái pháp luật, giảm 118 vụ (7%), diện tích rừng bị thiệt hại 910 ha, giảm 394 ha (30%) so với cùng kỳ 2016.
Theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, tổng diện tích có rừng 14,3 triệu ha.
Tháng 6/2016, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha từng tự nhiên còn lại sang mục đích khác kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh; không có chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp. |
Hoàng Thuỳ