Chiều 12/10, đường sắt Bắc Nam qua Thanh Hóa đã được thông nhưng tàu đi chậm, khoảng 5 km mỗi giờ qua khu vực ngập nước.
Đường sắt qua Thanh Hóa và Nghệ An sáng nay bị ách tắc do xảy ra sạt lở nền đường, trôi đất đá, nhiều vị trí bị ngập trên đỉnh đường ray.
Ngành đường sắt đã huy động hàng trăm cán bộ, nhân viên dùng 26 xe đá dăm, 200 rọ đá, 200 thanh tà vẹt gỗ... khắc phục các điểm bị xói mòn, trôi nền đá. Nhiều chuyến tàu đã phải dừng hoạt động khi gần đến khu vực này.
Cũng trong chiều 12/10, nước đã rút trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Hà Trung, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa), song hiện chỉ xe tải lớn, xe khách có thể lưu thông, xe con vẫn chưa thể đi qua khu vực ngập.
Đoạn quốc lộ trên bị nước ngập sâu gần một mét vào sáng cùng ngày, làm giao thông hướng Thanh Hóa - Hà Nội bị tê liệt.
Quốc lộ 1 qua Thanh Hóa bị ngập nặng
Nhiều tuyến quốc lộ khác qua Thanh Hóa còn bị ngập như quốc lộ 217B, 15, 15C. Trên quốc lộ 16 tại xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh có 3 vị trí sụt nền, mặt đường làm đứt đường, tắc giao thông.
Tại Nghệ An, quốc lộ 16 qua xã Đồng Văn, huyện Quế Phong bị đứt toàn bộ mặt đường dài 12 m, rộng 8 m, sâu 6 m, xói trôi toàn bộ cống, hệ thống lan can mềm; đơn vị quản lý đường phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm.
Tại Hòa Bình, quốc lộ 6 đoạn qua xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu vẫn ngập úng cục bộ với mực nước gần hai mét. Tình trạng này khiến các phương tiện giao thông không thể di chuyển theo cả hai chiều đường, các tài xế chủ động tạm dừng ở km 105 thuộc địa phận huyện Tân Lạc (cách vị trí ngập úng 25 km) để chờ nước rút. Tại vị trí ngập, lực lượng chức năng đã kết bè mảng và dùng thuyền nhỏ đưa người qua lại.
Ông Bế Văn Quản, Phó giám đốc Sở Giao thông tỉnh Hoà Bình, cho biết hiện giao thông trên các tuyến đường địa phương vẫn rất khó khăn do ngập lụt, sạt lở, nặng nhất là tỉnh lộ 433.
Quốc lộ 6 Hòa Bình bị ngập sâu.
Tại Yên Bái, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết, đường lên Trạm Tấu có nhiều điểm sạt lở nên vẫn chưa thể thông xe.
Ở cầu Ngòi Thia mới, cầu Ngòi Nung, cầu suối Đôi I, cầu suối Đôi II đã xảy ra xói lở kè ốp mố, trụ cầu. Trước đó, trưa 11/10, cầu Ngòi Thia cũ đã bị đổ trụ T5, làm trôi hai nhịp cầu.
Từ ngày 9 đến 12/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to. Lũ sông lên cao làm hàng loạt đê điều, đập ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội gặp sự cố. Các tỉnh miền núi Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị lũ quét, sạt lở đất. Thông kê đến chiều 12/10, có 53 người chết, 21 người mất tích. Con số này chưa dừng lại bởi nhiều khu vực đang bị mưa lũ chia cắt, chưa thể tiếp cận. |