AFF Suzuki Cup 2018 Tin tức, lịch thi đấu, BXH được cập nhật liên tục hàng ngày

logo
quang cao
Thể Thao

Nhà khoa học lo ngại việc dùng amiăng trắng tại Việt Nam

Ngày 6/10, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm trao đổi thông tin về sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam. Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến tháng 7/2017, 64 nước đã cấm sử dụng amiăng, mới nhất là Ukraine và 71 nước cho phép sử dụng. Việt Nam là một trong bảy nước dùng nhiều nhất, ước tính 60-70 nghìn tấn mỗi năm.

nha-khoa-hoc-lo-ngai-viec-dung-amiang-trang-tai-viet-nam

TS Nguyễn Văn Sơn đưa ra số liệu cụ thể về việc sử dụng amiăng trắng ở Việt Nam. Ảnh: Dương Tâm

Amiăng, đặc biệt là amiăng trắng, đang được dùng phổ biến trong lĩnh vực sản xuất tấm lợp fibro xi măng. TS Nguyễn Văn Sơn, Viện phó Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, cho biết nếu làm một phép tính tương đối, với lượng tiêu thụ amiăng trung bình ở mức 70 nghìn tấn/năm, từ năm 1990 đến năm 2014, Việt Nam đã dùng 1.750.000 tấn khoáng chất độc hại này.

Hiện, Việt Nam có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất tấm lợp có sử dụng amiăng trắng với công suất thiết kế hơn 100 triệu m2/năm. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập rất nhiều sản phẩm chứa amiăng như vải, má phanh, vật liệu cách nhiệt, thảm. Các sản phẩm này được nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ và thậm chí  từ nước đã cấm sử dụng amiăng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...

Việc sử dụng amiăng gây ra những gánh nặng tài chính và sức khỏe. Năm 2014, WHO khẳng định amiăng là nguyên nhân gây ung thư nghề nghiệp, ước tính gây ra một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. 

Bác sĩ Trần Tuấn, chuyên gia dịch tễ học và sức khỏe dân số, cho biết ít nhất bốn báo cáo chuyên khảo tổng hợp từ hàng trăm nghiên cứu đã khẳng định amiăng thuộc nhóm một về các chất gây ung thư trên người.

"Đánh giá mới nhất của Cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư nêu trong chuyên khảo 100C đưa ra đầy đủ bằng chứng cho thấy tất cả dạng amiăng, trong đó có amiăng trắng, gây ung thu trung biểu mô, ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, bệnh bụi phổi amiăng ở người. Không có ngưỡng phơi nhiễm an toàn nào được xác định cho các hiệu ứng gây ung thư của amiăng trắng", ông Tuấn thông tin.

Cũng theo bác sĩ Tuấn, WHO còn ra sách trắng về amiăng trắng vào năm 2014. Tài liệu này được Bộ Y tế dịch sang tiếng Việt và phân phát đến tất cả cơ quan liên quan.

nha-khoa-hoc-lo-ngai-viec-dung-amiang-trang-tai-viet-nam-1

Bác sĩ Trần Tuấn phân tích tác hại của amiăng đã được thế giới chứng minh. Ảnh: Dương Tâm

Trích dẫn nghiên cứu của WHO, TS Nguyễn Văn Sơn cho biết tỷ lệ mắc ung thư trung biểu mô, loại ung thư amiăng trắng gây ra, hiện tại là 14-35 trường hợp trên triệu dân mỗi năm tại 11 quốc gia công nghiệp phát triển đã sử dụng amiăng. Năm 2004, gánh nặng bệnh tật toàn cầu do amiăng lên tới 107.000 trường hợp tử vong và 1.523.000 người phải sống với khuyết tật.

"Với kích thước chỉ vài micron, các sợi này nếu không được bao gói, bảo quản và sử dụng đúng cách sẽ rất dễ phát tán vào không khí, hậu quả là không chỉ người lao động mà cả cộng đồng dân cư phải hứng chịu", ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn lấy ví dụ về "cú sốc Kubota" diễn ra ở Nhật Bản năm 2005. Khi đó, nhiều công nhân từng làm việc tại nhà máy ống fibro xi măng Kanzaki Kubota đã bị ung thư do tiếp xúc với amiăng. Đến tháng 3/2006, có 105 công nhân nhà máy này, chiếm 10%, đã chết vì bệnh liên quan đến amiăng. Chính phủ Nhật quyết định có biện pháp khẩn cấp và sau đó cấm loại chất độc hại này.

Ngoài tác động đến sức khỏe, amiăng cũng đưa đến những gánh nặng tài chính. Chi phí dành cho bệnh ung thư liên quan đến amiăng vượt quá giá trị kinh tế của nó. Năm 2008, chi phí kinh tế trực tiếp dành cho bệnh ung thư liên quan đến amiăng là 2,4 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị kinh tế của thương mại amiăng quốc tế chỉ đạt 802 triệu USD.

Bà Bùi Thị An, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, cũng chỉ ra kết luận từ các tổ chức khoa học chuyên môn. Họ tính rằng nếu amiăng trắng đem lại được một đồng lợi nhuận thì xã hội tốn ba đồng chi cho bệnh tật do chất này gây ra. "Do đó, những thập niên qua, số nước cấm sử dụng amiăng trắng ngày càng tăng", bà An lý giải.

Bà An và nhiều nhà khoa học nhận định do nhiều lý do mà nghiên cứu về các bệnh liên quan đến amiăng trắng tại Việt Nam chưa được tổ chức có hệ thống, chưa được theo dõi liên tục nên kết quả chưa nói lên nhiều điều như ở các nước. Việc nghiên cứu hậu quả của amiăng trắng cần được thực hiện ít nhất trên 20 năm chứ không thể đưa ra số liệu trong 1-2 năm.

Xem thêm>>

Xem thêm>>