Chiều 12/10, nhiều ngôi nhà trong chòm thác Khanh (thuộc xóm Khanh, huyện Tân Lạc, Hòa Bình) vẫn nằm sâu dưới lớp đất. Dòng thác Khanh phía sau thung lũng chảy xiết từ đỉnh núi qua khu dân cư. Quá nửa quả đồi bị sạt lở hoàn toàn. Những tảng đá to cả chục tấn ngổn ngang khắp nơi. Sau hơn 15 giờ đào bới, nhiều nóc nhà chưa lộ diện.
Chó nghiệp vụ được huy động để tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: Giang Huy. |
Chẳng thể góp sức tìm kiếm nạn nhân cùng các lực lượng cứu hộ, ông Bùi Văn Minh phải đứng cách xa hiện trường cả chục mét. Ông nói chưa bao giờ chứng kiến trận lũ quét nào "đáng sợ như đêm qua", nó là "trận lũ lịch sử ở Hòa Bình". Sau nhiều ngày mưa lớn, nước chảy từ đỉnh núi theo con thác Khanh dài gần 10km ở xã Phú Cường (huyện Tân Lạc) đổ xuống thung lũng nơi có hơn 10 hộ dân đang sinh sống.
Dòng thác ập đến lúc 1h20 phút sáng 12/10. Khi ấy gia đình anh Bùi Văn Dũng (26 tuổi) đang say ngủ. Tiếng động lớn như nổ mìn chưa đầy năm giây khiến anh mở choàng mắt. "Tôi cứ nghĩ là đang mơ vì tự nhiên nửa đêm lại nằm trên đống đất giữa không trung. Mẹ già, vợ và con trai hai tuổi đang bị đất vùi nửa người. Cột nhà sàn đổ tứ tung", anh Dũng nhớ lại.
Sau một phút bừng tỉnh, anh Dũng vơ vội chiếc sà nhà bằng gỗ vừa gãy xuống để khoét đất. Một lỗ nhỏ hở ra giúp ba người trong gia đình anh chui được ra ngoài thoát nạn. Sự việc diễn ra trong khoảng mười phút. Đến vùng an toàn, anh Dũng mới dám ngoảnh lại nhìn thì "không thấy nhà đâu ngoài bãi đất ngổn ngang".
Anh Dũng và vợ con đang phải đi ở nhờ. Ảnh: Phạm Dự. |
Dắt theo đứa con trai 14 tuổi tìm chỗ ngủ qua đêm, bà Đinh Thị Siêu (50 tuổi) kể, hai mẹ con đang ngủ say thì nghe tiếng ầm ầm như động đất, ngôi nhà bị giật đổ. Bà lồm cồm bò dậy, cào đất, giành lại cậu con đang bị vùi kín. "Vừa chạy được vài bước, đất đá tiếp tục sạt, dồn mạnh từ sau lưng đẩy hai mẹ con tôi bắn xa vài chục mét, ngã lăn ra. Đứng dậy chưa kịp chạy thì bị dồn tiếp một lần nữa, hai mẹ con ôm nhau lăn xuống ruộng", bà Siêu nhớ lại.
Chưa kịp hiểu chuyện gì, bà thấy hàng xóm túa ra la hét, kêu cứu. Chẳng thể cứu vãn, bà cùng một số dân làng "đứng trên mỏm đá cao ôm nhau khóc". Là "thổ địa" ở đây, bà Siêu nói trận sạt đất này "chưa từng có trong lịch sử lũ lụt ở Hòa Bình".
Từ lúc mất nhà, hai mẹ con bà cứ lang thang như mất hồn, thỉnh thoảng tiếc của lại chực quay về nhà tìm đồ đạc cùng hơn chục con trâu, lợn bị vùi lấp nhưng không được vì nhà chức trách ngăn cấm.
Bà Siêu kể chuyện may mắn thoát nạn cùng con trai 14 tuổi. Ảnh: Phạm Dự. |
Bà Siêu cho hay, 18 nạn nhân mất tích đều cùng dòng họ, trong đó một người là trưởng thôn vào tham gia cứu hộ thì gặn nạn. "Thương tâm nhất là gia đình anh Huynh, nhà có năm người bị vùi lấp hết cả. Chiều nay đã tìm thấy thi thể anh Huynh cùng hai con trai tám tuổi và bốn tháng tuổi. Mẹ và vợ anh vẫn chưa tìm thấy", bà Hải nói.
Thung lũng suối Khanh có hơn 10 hộ dân với 30 nhân khẩu sinh sống vốn rất bình yên do được bao bọc bởi những ngọn núi. Người dân nơi đây chủ yếu làm nương và chăn thả gia súc. Hơn nửa quả đồi đổ xuống lúc rạng sáng 12/10 khiến năm ngôi nhà sàn kiên cố bị san phẳng.
Chiều 12/10, hơn 300 người thuộc các lực lượng quân đội, công an liên tục đào bới tìm kiếm nạn nhân mất tích. Chó nghiệp vụ và máy dò hình ảnh cũng được cảnh sát huy động để hỗ trợ tìm kiếm.
Hiện trường 18 người bị vùi lấp
Thi thể 9 người trên tổng số 18 người mất tích đã được tìm thấy. 18h, các lực lượng rút quân do trời tối và nguy cơ tiếp tục sạt lở. Công tác tìm kiếm sẽ tiếp tục vào sáng hôm sau. UBND tỉnh Hòa Bình và huyện Tân Lạc hỗ trợ gia đình các nạn nhân 8 triệu đồng/người.