Người đàn ông cố cứu đàn lợn ở Yên Định. Ảnh: T.P. |
Chiều 12/10, ông Nguyễn Xuân Tùng, Chánh văn phòng UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa), cho biết mưa lũ hai ngày qua khiến mực nước các khu vực ngoài đê dâng cao 1,5-2 m. Toàn bộ trang trại lợn của Trại giam số 5 (thuộc Tổng cục 8, Bộ Công an) ở thị trấn Thống Nhất nằm ngoài đê bị ngập.
Chính quyền và đơn vị chủ quản đã ứng cứu nhưng đành bất lực trước dòng nước lũ lên quá nhanh. Gần 4.000 con lợn sắp đến ngày xuất bán đã chết đuối.
"Chúng tôi chỉ kịp dùng thuyền cứu được hơn 100 con lợn. Số còn lại đang mắc kẹt và đã chết hết ở phía trong", ông Tùng nói và cho hay nhà chức trách đang chờ nước rút để mang đàn lợn đi tiêu hủy.
Đần lợn chết nổi trắng trang trại. Ảnh: T.P. |
Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Yên Định, mưa lũ đã nhấn chìm gần 140 ha lúa, hơn 2.500 ha ngô, 1.450 ha rau màu, trên 1.000 ha nuôi trồng thủy sản.
Đến chiều 12/10, toàn tỉnh Thanh Hóa có 12 người chết, 3 người mất tích, hàng chục người bị thương do mưa lũ. Nhiều tuyến đê sông Cầu Chày, sông Hoàng, sông Yên, sông Bưởi bị tràn bờ khiến hàng nghìn hộ dân chìm trong lũ. Quốc lộ 1A, quốc lộ 45, quốc lộ 217B… đã bị chia cắt.
Từ ngày 9 đến 12/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to. Lũ sông lên cao làm hàng loạt đê điều, đập ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội gặp sự cố. Các tỉnh miền núi Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị lũ quét, sạt lở đất. Thông kê đến chiều 12/10, có 53 người chết, 21 người mất tích. Con số này chưa dừng lại bởi nhiều khu vực đang bị mưa lũ chia cắt, chưa thể tiếp cận. |