Theo ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An, tỉnh này có hơn 700 ha rừng, phần lớn được phân bổ dọc theo biên giới Việt - Lào.
Bên cạnh lực lượng kiểm lâm khoảng hơn 300 người, Nghệ An còn có gần 300 người dân được hợp đồng dài hạn để tham gia bảo vệ rừng theo quy định, mức hỗ trợ cho mỗi người dân là 5-6 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, từ tháng 6/2016 đến 10/2017, những người trong diện hợp đồng này chưa nhận được tiền hỗ trợ do nguồn kinh phí từ Chính phủ chưa cấp về kịp.
"Tổng tiền hỗ trợ cho gần 300 người tham gia bảo vệ rừng trong một năm qua hơn 20 tỷ đồng, chúng tôi chưa nhận được. Mới đây, Sở Nông nghiệp tạm ứng 2,3 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh để trả tiền cho những người này, song với số tiền ít ỏi đó thì cũng mới chỉ đủ chi phí tiền ăn hàng ngày cho họ", ông Lâm nói và cho biết đơn vị đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này lên cấp trên nhưng chưa có kết quả.
Hơn 100 ha rừng tại xã Kỳ Tân (huyện Tân Kỳ) bị "xoá sổ" trong 10 năm qua để trồng keo. Ảnh: HB. |
Tại Nghệ An, một tuần trước, Thường vụ huyện uỷ Quỳ Hợp đã họp để kỷ luật 10 cán bộ huyện và xã liên quan tới việc chuyển đổi hàng chục ha đất rừng sai mục đích; trong số này có Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ bị đề nghị cách chức.
Ở huyện Tân Kỳ , cơ quan chức năng vừa xác định trong vòng 10 năm qua có tới hơn 100 ha rừng phòng hộ bị "xoá sổ", lấy đất trồng cây keo.