Ba ngày sau vụ nổ khí Amoniac (NH3, cực độc) ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, cây cối trong bán kính 500 m quanh trạm sang chiết khí của Công ty TNHH Vĩnh Lộc phủ một màu đen héo úa, không cây nào sống sót. Cơ sở này luôn đóng kín cửa, phía trong thỉnh thoảng có vài người qua lại.
Khu vực xảy ra vụ nổ có nhiều thùng nhựa, đủ kích cỡ, được xếp ngổn ngang. Trạm sang chiết được xây dựng tạm bợ bằng mái tôn, che chắn không kỹ lưỡng dù nằm giữa khu dân cư.
Hàng loạt heo gà của người dân trong khu vực bị chết vì hít phải khí độc từ vụ rò rỉ. Ảnh: Nguyễn Điệp |
Gia đình chị Phạm Thị Thanh Châu ở sát vách cơ sở này. Giọng buồn rượi, chị bảo toàn bộ cây ăn trái, chó, mèo, gà... đều đã chết sạch. Thiệt hại khoảng 200 triệu đồng nhưng giờ chưa biết bắt đền ra sao.
"Cũng may thời điểm nổ khí gia đình tui không có ai ở nhà, nếu không hậu quả còn nặng hơn. Nghe bà con kể cảm giác lúc đó rất sợ, nhiều người chảy máu miệng, ngạt thở, ngất xỉu vì khí đó", chị Châu nói.
Ở cạnh bên, nhà bà Tám cũng bị chết mấy con chó, hàng chục con gà, toàn bộ cây trồng bị khô héo. "Khí độc này rất ghê, chỉ cần ngửi thôi là chảy nước mắt, nước mũi. Vô tới phổi là ói ra máu, ngất xỉu", bà Tám cho hay.
Cũng ở gần cơ sở sang chiết khí NH3, cả đàn gà cùng nhiều heo, chó, của anh Tài đều bị chết. "Hoang tàn hết, không còn gì cả. Thiệt hại cả trăm triệu đồng chứ có phải ít đâu", anh Tài nói như mếu.
Người dân xung quanh khu vực đều bày tỏ lo lắng vì cơ sở sang chiết khí độc nằm ngay khu dân cư. Họ đã nhiều lần gửi đơn lên UBND xã, huyện đề nghị di dời trạm sang chiết đi nơi khác. Cơ quan chức năng cũng đến kiểm tra nhưng không có động thái gì.
"Cả 10 năm qua cơ sở này vẫn tồn tại và hoạt động ngày càng nhiều hơn, trong khi ở đây có nhiều trường mầm non, tiểu học. Chúng tôi rất hoang mang, không biết nó sẽ phát nổ lúc nào", anh Tài nói.
Thiệt hại của người dân ước tính hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Điệp. |
Theo bà Võ Thị Hoàng Oanh - Bí thư Đảng ủy xã An Phú Tây - địa phương đang ghi nhận, thống kê thiệt hại của các hộ dân. Công ty Vĩnh Lộc đã chuẩn bị gặp gỡ, xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho người dân.
Trụ sở chính của công ty tại phường 14, quận 3. Cơ sở tại ấp 2, xã An Phú Tây là trạm sang chiết khí amoniac, được cấp phép hoạt động năm 2002, ngành nghề chiết nạp khí amoniac hóa lỏng vào chai.
"Lúc cấp phép khu vực này còn trống, dần dần đông dân cư lên. Người dân phản ánh về an toàn trong sản xuất của chi nhánh, địa phương đã ghi nhận và UBND huyện Bình Chánh đã lên kế hoạch di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư", bà Oanh nói.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ cho biết, khi xảy ra sự cố rò rỉ khí NH3 huyện đã cho lực lượng đảm bảo an ninh trật tự khu vực, vận động người dân di dời, tạm thời tránh xa vùng ảnh hưởng, thuê khách sạn trên địa bàn xã để người dân tạm lánh. Chi phí thuê do Công ty Vĩnh Lộc chi trả.
Bước đầu, UBND huyện và huyện ủy Bình Chánh cùng các ban ngành đoàn thể đã hỗ trợ 3 nạn nhân bị thương tổng số tiền 46 triệu đồng. Công ty Vĩnh Lộc hỗ trợ mỗi người 5 triệu đồng.
UBND huyện Bình Chánh cũng chỉ đạo Phòng lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động huyện phối hợp với liên đoàn lao động quận 3 kiểm tra hồ sơ pháp lý, các chế độ bảo đảm cho người lao động nhằm giải quyết các chính sách, quyền lợi cho người bị thiệt hại do sự cố.
Cây cối trong vòng 500 m2 gần hiện trường đều bị khô héo. Ảnh: Uyên Phương. |
Trước đó, trưa 10/10, công nhân trạm nạp khí NH3 từ xe bồn sang bồn chứa của công ty thì đường ống bị bể, xì khí ra ngoài. Sự cố khiến 4 người bị thương, động vật chết la liệt... Chính quyền địa phương phải di tản hàng nghìn người và học sinh tại hai trường học gần khu vực.
Theo thượng tá Đỗ Văn Kháng (Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh), chi nhánh này có khu nhà xưởng chứa 3 bồn khí, có hàng chục tấn khí hóa lỏng, xung quanh thông thoáng đảm bảo điều kiện, đảm bảo quy trình sang chiết. Sự cố không liên quan đến vấn đề PCCC mà là về an toàn lao động.
Trung Sơn