Hội nghị Trung ương sáu, khoá 12 đang xem xét việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. VnExpress có cuộc trao đổi với ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Nội vụ, người nhiều năm làm Tổng thư ký Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng bộ máy hiện quá cồng kềnh. Ảnh: PN |
- Ông nhìn nhận như thế nào về tổ chức bộ máy hiện nay?
- So với trước đây thì bộ máy đã được sắp xếp lại gọn đầu mối hơn, nhưng tốc độ cải cách quá chậm, giảm được chỗ này thì phình chỗ khác, thậm chí phình to hơn.
Trung ương đã nhiều lần thảo luận xung quanh chủ đề này. Bộ máy từ 78 đầu mối trước năm 1986, nay giảm còn 22 bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Tuy giảm đầu mối nhưng cơ cấu bên trong các bộ lại cơi nới ra rất nhiều. Hiện tổng số biên chế công chức – viên chức trong bộ máy hành chính nhà nước (không bao gồm tổ chức Đảng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội) là 3 triệu người. Mỗi năm chỉ trả lương không thôi đã hơn 400 nghìn tỷ, chiếm khoảng một nửa chi thường xuyên (dự toán năm 2016 là hơn 823 nghìn tỷ đồng). Ngân sách còn phải lo chi trả nợ, khiến cho số chi đầu tư phát triển rất khiêm tốn, mỗi năm khoảng trên 200 nghìn tỷ đồng, lại có nhiều khoản lãng phí, thất thoát. Mới đây Bộ Kế hoạch công bố 43 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả, tổng mức đầu tư lên đến hơn 42.000 tỷ là một biểu hiện rõ nét.
Ngoài ra, chúng ta còn phải dành dụm để xây dựng hiện đại một số lực lượng quốc phòng, ví dụ như mua tàu ngầm. Như vậy là bội chi nặng, kéo dài. Không ngân sách nào nuổi nổi bộ máy ngày càng cồng kềnh và chính nó sẽ cản trở phát triển.
- Giải pháp cho tình trạng nêu trên là gì, thưa ông?
- Trước khi làm gì, chúng ta phải xác định cho mình triết lý. Đó là tư tưởng nhà nước nhỏ, nhưng mạnh và quản trị hiệu quả, xã hội lớn. Trước đây nhà nước bao cấp, tôi từng chứng kiến vị lãnh đạo cấp cao xách cặp đi xin viện trợ gạo, sau đó chỉ cần một quyết sách khoán là thay đổi tất cả. Như vậy, những việc nhà nước đang làm mà doanh nghiệp, xã hội làm được thì nhà nước phải chuyển giao.
Chính phủ hãy mài sắc công cụ quản lý vĩ mô, để không gian cho người dân phát triển tốt nhất khả năng của mình.
Giai đoạn 2001-2010, tôi tham gia một chương trình lớn gọi là KX10 "đổi mới hệ thống chính trị" do anh Trần Đình Hoan – Trưởng ban Tổ chức Trung ương, làm chủ nhiệm. Lúc bấy giờ các chuyên gia đã kiến nghị phải thu gọn tổ chức, mỗi cấp làm đúng chức năng của mình. Tiếc là nhiều tư tưởng tốt của chương trình đến nay vẫn xếp ngăn kéo. Đơn cử một chuyện là họp hành, sau nhiều năm không thấy thay đổi gì đáng kể. Trước đây, chúng tôi đã thống kê cứ 8 tiếng trên cả nước có gần 3.000 cuộc họp, ngân sách chi tiêu cho hội họp mất khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi ngày. Riêng tôi hồi trước nhận được hơn 400 giấy mời họp mỗi năm, chỉ đi họp đã hết ngày, không cải cách gì được.
- Vì sao họp nhiều thế?
- Do bộ máy nhiều tầng nấc, chức trách, nhiệm vụ không rõ. Tôi nói ví dụ ở địa phương, một cán bộ lãnh đạo phải dự ít nhất 3-4 cuộc họp cùng nội dung. Đầu tiên là họp ban chấp hành đảng bộ cho chủ trương về vấn đề đó, rồi Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng ủy ban nhân dân tỉnh. Tiếp đó là họp lãnh đạo tỉnh và các sở ngành liên quan, và còn họp HĐND và họp với cấp dưới để triển khai.
Tất nhiên để giải quyết công việc thì phải họp, nhưng trong hệ thống chính trị thì chỉ nên họp ở cấp chiến lược, cấp ra chủ trương; còn công việc cụ thể của cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính cần được luật hóa và "cứ theo luật mà làm, không phải họp".
Muốn vậy, về mặt khoa học quản trị phải phân rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cấp. Công chức của mình nhiều khi chỉ là anh soạn thảo văn bản, còn mọi việc đều phải xin ý kiến lãnh đạo. Ở các nước có nền quản trị hiện đại, công chức được luật phân rõ đầu việc của mình, anh có quyền ký, giải quyết các đầu việc trong phạm vi chức trách và chịu trách nhiệm. Chính vì vậy khi có vấn đề xảy ra thì họ tìm địa chỉ trách nhiệm rất nhanh và rất dễ, còn mình thì cơ chế tập thể, trách nhiệm cũng tập thể.
Video: Ông Thang Văn Phúc nói về sự cần thiết cụ thể hoá cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý
- Khi còn đương chức, ông nói với các cấp có thẩm quyền như thế nào về bộ máy cồng kềnh và cá nhân ông với tư cách Thứ trưởng Nội vụ đã góp phần triển khai những việc gì?
- Tôi nói nhiều chứ và nói rất thẳng thắn. Có một câu quen thuộc ở Việt Nam là "cả hệ thống chính trị vào cuộc", tổ chức dày đặc từ trên xuống dưới tưởng như kiểm soát được nhưng thực chất vẫn để ra nhiều khoảng trống lớn. Chính vì vậy mới có chuyện "con voi chui lọt lỗ kim", tham nhũng, tiêu cực tràn lan. Mô hình quản trị đất nước cần được đổi mới, đó là thách thức lớn nhất và cái gốc của vấn đề.
Là người tham gia tổng kết 25 năm, rồi 30 năm đổi mới, góp phần vào nội dung của nhiều hội nghị Trung ương bàn về tổ chức bộ máy, biên chế, tôi thấm thía lắm. Từ năm 1999, Hội nghị Trung ương 7, khóa 8 đã bàn một số vấn đề về tổ chức, bộ máy, ra yêu cầu giảm 15% biên chế. Thời trước, chúng tôi cũng làm quyết liệt để tham mưu, ra được các quy định như một Bộ chỉ có bộ trưởng và ba thứ trưởng, trường hợp muốn thêm một thứ trưởng thì phải có đề án giải trình; hệ thống tổ chức còn lại là một trưởng, hai phó, đến 3 phó là phải giải trình… Bộ máy làm nghiêm được một thời gian rồi đâu lại vào đấy, kết quả là như hiện nay mọi người đã biết.
- Ông kỳ vọng gì vào quyết sách của Hội nghị Trung ương lần này về tổ chức, bộ máy?
- Tôi mong sẽ có chuyển động giúp đổi mới căn bản tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trước hết là phân định rõ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; tiến hành cải cách từ trên xuống, từ tổ chức Đảng đến bộ máy nhà nước và các đoàn thể, gọn lại và làm đúng nhiệm vụ của mình. Quy định khung tổ chức và chế tài mạnh. Ví dụ ở Nhật Bản quy định là mỗi Bộ chỉ có 10 Vụ, anh muốn lập vụ mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì dẹp bớt một vụ hiện hành, không làm được thì từ chức.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương sáu, khóa XII ngày 4/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả rất phức tạp và nhạy cảm. Bên cạnh thành quả, ông nhận xét bộ máy chính trị "còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo, cơ cấu bên trong chưa hợp lý. Tổ chức bộ máy của khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập chậm đổi mới". Tổ chức và biên chế ngày càng phình to trong khi cơ cấu, chất lượng cán bộ còn nhiều bất cập. "Số lao động phục vụ gián tiếp quá nhiều trong khi thiếu nhân lực trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều", Tổng bí thư nói. |
Võ Văn Thành - Hoàng Thùy