Ngày 9/10, bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, thông báo kết quả khảo sát một số địa điểm kinh doanh sâm và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh tại Đà Nẵng; vùng ươm tạo, trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum).
Thanh tra bộ xác nhận có sâm Ngọc Linh giả (bao gồm cả hạt, giống cây, củ, lá và hoa) trên thị trường. Các sản phẩm giả sâm Ngọc Linh được cho là có nguồn gốc từ tam thất hoang hoặc tam thất Vũ Diệp, chuyển từ phía Bắc vào.
Bà Nguyễn Như Quỳnh xác nhận có sâm Ngọc Linh giả trên thị trường. Ảnh: Ngũ Hiệp |
Bà Quỳnh nhận định sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và công nhận là sản phẩm quốc gia, lượng người quan tâm và có mong muốn sử dụng sâm Ngọc Linh tăng lên nhanh chóng. "Vì số lượng sản phẩm có hạn, giá bán sâm Ngọc Linh tăng gấp 4-5 lần so với trước đây. Điều này dẫn đến hoạt động kinh doanh sâm Ngọc Linh giả ngày càng gia tăng", bà Quỳnh nói.
Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý sâm Ngọc Linh giả và các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm giả gặp nhiều khó khăn. Bà Quỳnh cho biết hiện chỉ có một số đơn vị kiểm định sâm Ngọc Linh nhưng chưa đặt tại các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Vì vậy, việc kiểm định mất nhiều thời gian, đặc biệt trong trường hợp số lượng sản phẩm vi phạm lớn.
Trên thực tế, việc xác nhận, phân biệt sâm Ngọc Linh thật hay giả hoàn toàn do cảm nhận chủ quan, kinh nghiệm thực tế của một số chuyên gia hay người dân. Trong khi đó, các tổ chức, cá nhân tạo sâm Ngọc Linh giả rất tinh vi. "Họ có thể dùng keo gắn nhiều phần tạo thành củ sâm, trong đó có một phần giả, một phần thật", bà Quỳnh lấy ví dụ.
Phó chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay chỉ có hai xã Măng Ri, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) và xã Trà Linh (huyện Nam Trà My), thuộc vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, một số xã lân cận có điều kiện tự nhiên tương tự cũng đang trồng loại sâm này. Theo các địa phương, sẽ không hợp lý nếu coi các sản phẩm của những xã này là giả mạo chỉ dẫn địa lý.
Việc phát hiện và xử lý sâm giả gặp nhiều khó khăn còn một phần do bộ công cụ quản lý, kiểm soát sâm Ngọc Linh chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ của các ngành còn chồng chéo; việc quản lý, kiểm soát các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh chưa triệt để; hay nhận thức của cộng đồng về sâm Ngọc Linh chưa đầy đủ...
Sâm Ngọc Linh trồng trên đỉnh núi cao nhất miền Trung. Ảnh: Đắc Thành |
Hàng loạt đơn vị vào cuộc ngăn chặn sâm Ngọc Linh giả
Trước thực trạng trên, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã lên kế hoạch ngăn chặn, xử lý hoạt động kinh doanh sâm Ngọc Linh giả và các sản phẩm liên quan với sự tham gia của nhiều đơn vị.
Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum nhanh chóng hoàn thành bộ công cụ quản lý, kiểm soát, bảo vệ chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh. Bộ công cụ này bao gồm quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý, bộ tem, nhãn nhận diện.
"Cục cũng có nhiệm vụ xem xét về việc mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh đối với các khu vực lân cận nếu đáp ứng đủ điều kiện", bà Quỳnh chia sẻ.
Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật là đầu mối của Bộ phối hợp với UBND các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum xây dựng nhiệm vụ khoa học và công nghệ để triển khai trong chương trình sản phẩm quốc gia. Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường chất lượng phải phối hợp với Vụ này để rà soát, đề xuất triển khai việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến sâm Ngọc Linh.
Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ sớm triển khai hoạt động của trung tâm đặt tại Kon Tum, bố trí nhân lực, lắp đặt máy móc, thiết bị giúp xác định chính xác sâm Ngọc Linh thật.
Trong khi đó, Vụ Địa phương cần phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đến sâm Ngọc Linh thông qua các dự án thuộc chương trình Nông thôn miền núi và các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp thiết địa phương.
"Thanh tra Bộ thì sẽ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất kế hoạch, phương án phát hiện và xử lý sâm Ngọc Linh giả", bà Quỳnh nhấn mạnh.