Sáng nay lũ các sông Thanh Hóa đã rút nhưng vẫn còn trên báo động 3 - mức nguy hiểm nhất. Trên lưu vực sông Hồng, hồ thủy điện Hòa Bình đã đóng tất cả cửa xả, hiện chỉ có hồ Tuyên Quang mở một cửa xả đáy.
Yên Bái 6 người chết, 16 người mất tích
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh cho biết, mưa lũ đã làm 6 người chết, 16 người mất tích. Toàn tỉnh có 1.280 ngôi nhà thiệt hại, trong đó sập, trôi hoàn toàn 65 nhà, tập trung ở huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ. Quốc lộ 37 sạt khoảng 1.500 m3, quốc lộ 32 sạt chừng 20.500 m3.
Báo Yên Bái đưa tin, thiệt hại nặng nhất là huyện Trạm Tấu với 9 người chết và mất tích. Sau trận lũ ống rạng sáng 11/10 ở xã Hát Lừu, đất rừng bị xới tung, hơn 20 nhà dân đổ sập. 9h30 hôm nay, các lực lượng mới tìm được 3 nạn nhân mất tích là ông Lò Văn Lăm, bà Lò Thị Ươi và ông Lò Văn Đoàn. Họ là người trong một gia đình bị lũ cuốn trôi, 2 thành viên khác chưa tìm thấy tung tích.
Lũ ống ở Trạm Tấu, Yên Bái, vùi lấp nhiều ôtô tải. Ảnh: Yenbaitoancanh. |
Sáng 13/10, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã đến hiện trường khu vực cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ), nơi xảy ra sự cố sập 2 nhịp cầu làm 5 người mất tích, kiểm tra thực địa tại cầu Nung là địa bàn cơn lũ quét, đến thăm hỏi thân nhân gia đình anh Hoàng Văn Quân ở xã Phúc Sơn (Văn Chấn). Cả 4 người trong gia đình Quân mất tích do lũ quét, hiện nay mới tìm được thi thể anh Quân.
>> Lũ ống cô lập huyện Trạm Tấu
Thanh Hóa lũ trên báo động 3, quốc lộ 1A nhiều điểm ngập
Sáng 13/10, Thanh Hóa đã dứt mưa, trời hửng nắng. Mực nước sông Mã tại Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) lúc 10h đã xuống hơn một mét so với đỉnh lũ trưa 12/10. Nước sông Bưởi tại thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) cũng xuống khoảng 50 cm nhưng đang ở mức trên 13 m, trên báo động 3 hơn một mét.
Hàng trăm thôn xóm ở các huyện Nông Cống, Yên Định, Thọ Xuân, TP Thanh Hoá… vẫn ngập 0,5-1 m. Hàng nghìn người vẫn tá túc ở nơi sơ tán, chưa thể trở về nhà. Một số vùng trong lũ chưa được cấp điện trở lại.
Nước trên sông Mã gần cầu Hàm Rồng đang rút. Ảnh: Lê Hoàng. |
Quốc lộ 1A thông tuyến vào sáng nay. Trung tá Tống Thành Văn, Trạm trưởng CSGT quốc lộ 1A (Công an Thanh Hóa) cho biết hiện nước lũ trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Hà Trung đã rút song còn một số điểm vẫn ngập. Nặng nhất là đoạn qua xã Hà Yên, nước còn ngập sâu khoảng 40 cm.
"Sáng nay đường 1A đã thông tuyến song các phương tiện chỉ có thể đi theo chiều Ninh Bình - Thanh Hóa còn hướng ngược lại chưa thể lưu thông do ngập sâu", trung tá Văn nói.
Quốc lộ 45, 217, 217B đi Yên Định, Thạch Thành, Vĩnh Lộc và nhiều tỉnh lộ ở Thanh Hóa vẫn còn nhiều điểm ngập, chỉ ôtô gầm cao mới có thể qua lại.
Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa có 14 người chết, 5 người mất tích.
Tại Thanh Hóa, người dân dùng xe công nông để vận chuyển người và phương tiện qua đoạn ngập. Ảnh: L.H. |
54 người chết, Hòa Bình thiệt hại nặng nhất
Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai cho hay, đến sáng 13/10 mưa lũ đã làm 54 người chết, 39 người mất tích, 31 người bị thương.
Hòa Bình thiệt hại nặng nhất với 17 người chết, 15 người mất tích, 9 người bị thương. Riêng vụ sạt lở ở xã Phú Cường (Tân Lập) đã làm 10 người chết, 8 người mất tích. 300 người cùng thiết bị đang tổ chức tìm kiếm.
Mưa lũ đã làm gần 200 căn nhà sập, hơn 30.000 nhà ngập và gần 2.000 gia đình phải di dời khẩn cấp. Lũ lớn, một số sông lũ vượt mức lịch sử, gây ra 60 sự cố đê điều tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định.
Nhiều tuyến giao thông tại Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La vẫn chưa thông.
Đường từ Hà Nội đi Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên ách tắc vì ngập.
Từ ngày 9 đến 12/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to. Tại Bái Thượng (Thanh Hóa) mưa trong hai ngày tới hơn 500 mm, Hòa Bình trên 450 mm. Hồ Hòa Bình lần đầu tiên kể từ khi xây dựng phải mở 8 cửa xả đáy vào trưa 11/10. Nhiều khu vực ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội bị ngập sâu, có nơi tới 2 m. Miền núi Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị lũ quét, sạt lở đất. |