Bé Hoàng bẩm sinh không có tai trái, mặc cảm nên luôn để tóc dài.
Tai bên trái của cậu bé bị khuyết mất vành tai. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.
|
Mẹ bé Hoàng cho biết, khi con chào đời, gia đình rất đỗi bàng hoàng vì cháu không có tai trái. Vợ chồng chị đã khóc rất nhiều, sợ con sẽ mặc cảm, tự ti với chiếc tai không hoàn thiện. Khi bé một tuổi, gia đình đưa con đến khám tại khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt - Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức. Trẻ bị khuyết vành tai bên trái nhưng vẫn có thể nghe và nói bình thường. Bác sĩ khuyên khi bé 6-7 tuổi thì đến khám lại để xử lý khuyết tật này.
Cuối năm 2016, gia đình đưa bé Hoàng đến viện. Các bác sĩ đã phẫu thuật đặt khung sụn vành tai trái cho bé. Sáu tháng sau, trẻ được phẫu thuật lần hai để hoàn thiện tai.
Các bác sĩ đã thực hiện hai ca phẫu thuật cách nhau sáu tháng để tạo hình tai mới cho trẻ. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.
|
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt - Thẩm mỹ, cho biết mất tai hoặc không có tai ảnh hưởng nặng nề tới thẩm mỹ và tâm lý bệnh nhân. Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh có thể gặp là 1,5/2000-4000 trẻ sinh ra. Bệnh viện thường phẫu thuật tạo hình tai cho các bệnh nhân khuyết tai bẩm sinh hoặc do chấn thương, sử dụng sụn sườn tự thân hoặc nhân tạo, giúp bệnh nhân có tai mới gần giống với bình thường.
Theo thạc sĩ Trần Thị Thanh Huyền, trường hợp khuyết tai hoặc dị tật tai nhỏ bẩm sinh, có rất nhiều kỹ thuật tái tạo tai với nhiều bước khác nhau. Trước đây, tạo hình tai thường được tiến hành qua bốn thì phẫu thuật. Gần đây quy trình ngày càng được cải tiến, hiện chỉ tạo hình tai với hai thì phẫu thuật.
Độ tuổi thích hợp nhất để tạo hình tai bằng sụn sườn là 7-11 tuổi, do lồng ngực phát triển đủ lớn mới cung cấp đủ khối lượng sụn sườn cần thiết. Đến nay, khoa đã tiến hành được hơn 50 ca tạo hình tai với kết quả khả quan. Với nhiều máy móc phương tiện, chất liệu tạo hình mới, ngày càng nhiều trẻ được phẫu thuật sớm hơn, thậm chí không cần lấy sụn sườn, chỉ cần một lần phẫu thuật khi trẻ 4-6 tuổi.